Năm 2019, giá thịt heo có tiếp tục ổn định?
2018 là năm đầy hứng khởi của người chăn nuôi heo nhưng lại là một năm không mấy vui đối với người tiêu dùng khi giá heo hơi tăng đột biến, thậm chí có thời điểm gần 60.000 đồng/kg. Năm 2019 này, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NN-PTNT) nhận định giá thịt heo được giám sát ở mức ổn định nhằm bảo vệ cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng.
Giá heo tiếp tục tăng từ 25-30% sau Tết
Theo thống kê từ Bộ Công thương, nửa đầu tháng 2/2019 (tức sau Tết Nguyên đán), giá heo hơi tăng từ 25-30%.
Tại các tỉnh phía Bắc duy trì phổ biến trong khoảng từ 46.000-48.000 đồng/kg. Các tỉnh ở miền Trung - Tây Nguyên có giá heo hơi dao động trong khoảng 49.000-52.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam giá heo hơi dao động từ 50.000-52.000 đồng/kg.
Theo đó, giá thịt heo thành phẩm cũng tăng 7-15% so với cùng kỳ năm ngoái. So với cuối năm 2018, giá thịt heo tăng 6-12%. Nguồn cung mặt hàng thịt heo năm 2019 từ những doanh nghiệp hoặc các trang trại gia công chiếm tỷ lệ cao hơn so với năm 2018. Có địa phương nguồn cung từ các doanh nghiệp lên đến 80-90%.
Dự báo giá heo thời gian tới vẫn ở mức cao
Từ khoảng giữa năm 2018, giá heo hơi tại Việt Nam dao động từ 45.000-55.000 đồng/kg tùy khu vực. Có lúc giá chạm ngưỡng 60.000 đồng/kg. Giai đoạn này lượng đàn tăng ồ ạt tại các địa bàn trọng điểm như Đồng Nai, ĐBSCL, một số tỉnh phía Bắc. Nhân cơ hội này Bộ NN-PTNT kêu gọi bình ổn bằng cách giảm giá heo hơi và thịt heo ngoài thị trường. Tuy nhiên, việc bình ổn dù thành công nhưng những tháng cuối năm giá heo hơi vẫn ở mức trên 50.000 đồng/kg. Vì thế, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo “cần giữ giá heo hơi dưới 50.000 đồng/kg”.
Thực tế việc giá heo hơi tăng đột biến trong năm 2018 là do từ năm 2017 sau khi Trung Quốc ngưng nhập heo tiểu ngạch, giá heo hơi “rơi tự do” đã khiến hàng loạt hộ chăn nuôi giảm lượng đàn. Năm 2018, dịch tả châu Phi ở heo bùng phát, nhiều thị trường thiếu nguồn cung đã đẩy giá heo hơi trong nước tăng và người chăn nuôi tăng đàn. Ông Trần Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết: Việc giá heo hơi tăng đột biến, lượng đàn heo tại địa phương này cũng tăng nhanh đáng kể. Hết năm 2018, lượng heo ở tỉnh tăng 500.000 con, so với năm 2017 tăng 30% và đưa tổng lượng đàn heo của tỉnh Đồng Nai đạt trên 2,5 triệu con. Dự báo nếu giá ở mức cao liên tục như thế này, người dân sẽ tái đầu tư và tăng đàn ồ ạt để kiếm lợi.
Bộ NN-PTNT chỉ đạo giảm giá heo hơi, ổn định thị trường
Tại Hội nghị Tổng kết ngành chăn nuôi 2018, Cục Chăn nuôi khẳng định tiếp tục nỗ lực ổn định phát triển đàn heo, các doanh nghiệp hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, năm 2019, cục vẫn thực hiện các biện pháp giảm giá heo hơi, duy trì trong khoảng 40.000-45.000 đồng/kg, giá thành sản xuất dưới 35.000 đồng/kg. Trước tiên sẽ tiến hành giảm giá tại các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, ngành sẽ xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch, cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp và xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Giải thích thêm về việc có hay không khả năng tự giảm giá thịt heo hiện tại, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Hiện nay giá thịt heo thị trường trong nước vẫn tự quyết định được nếu có sự đồng lòng. Bởi hiện nay lượng thịt heo Việt Nam nhập khẩu chỉ khoảng 4.000 tấn so với lượng cung trong nước 3 triệu tấn thì chúng ta hoàn toàn tự quyết định giá cả được, không chịu ảnh hưởng từ thị trường nào.
Thực tế với chỉ đạo và quyết tâm của Cục Chăn nuôi là phù hợp với tình hình cung cầu của thị trường và bảo vệ cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc ổn định giá heo thành công hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường: Dịch bệnh, giá cả thức ăn chăn nuôi, quy luật cung cầu...
Bài toán giải quyết
Đại diện Cục Chăn nuôi nhận định, trước những biến động bất ổn liên tục về cung cầu cần phải tổ chức ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết nơi đó có người chăn nuôi giết mổ, chế biến, kết nối thị trường chia sẻ trách nhiệm tạo ra bền vững về chất lượng, an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc nhằm giúp cân đối cung cầu.
Đồng thời biết cách kiểm soát, ngăn ngừa các loại dịch bệnh nhất là dịch tả heo châu Phi hiện nay với nguy cơ lây lan rất cao khi 7 tỉnh Trung Quốc đã bị lây nhiễm và vị trí rất gần Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, hiện việc kiểm soát chi phí nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi của Việt Nam còn yếu kém khiến gia tăng chi phí chăn nuôi, gây khó cho các hộ dân. Bởi hiện nay lượng thức ăn ngành chăn nuôi Việt Nam phải nhập khẩu 70% từ nước ngoài và phụ thuộc giá cả vào các thị trường này. Mặt khác chính phủ lại không có chính sách bình ổn giá thức ăn như một số quốc gia lân cận, dẫn đến thực trạng giá heo tăng là giá thức ăn cũng tăng vọt chóng mặt. Vì thế, ông Đoán khuyến nghị, cần có một mức giá trần cho thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam để không bị ảnh hưởng bởi thị trường và tác động không tốt đến doanh nghiệp, hộ dân chăn nuôi.
Các chuyên gia đầu ngành khuyến nghị, nông dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt, gia tăng đàn, sử dụng các chất tăng trưởng, chất cấm... mà phải tìm hiểu rõ quy luật cung cầu, nhu cầu và giá trị sản phẩm đối với thị trường ở từng thời điểm để chăn nuôi cho hiệu quả và hợp lý.
KIM NGỌC
- Sau Tết nguyên đán, nghìn tỷ vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ ETF
- Hội nghị xúc tiến thị trường Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thu hút hơn 60 hãng bay và công ty lữ hành
- Tivi Asanzo: Chiếm lĩnh thị trường nội, vươn ra thế giới
- Bị phát hiện chứa chất cấm, Golean Detox vẫn 'đại náo' thị trường
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm