Năm 2018: Giá cả liệu có biến động?

Thứ bảy, 13/01/2018, 14:38 PM

Diễn biến cực đoan của thời tiết, việc điều chỉnh giá của một số hàng hoá, dịch vụ nhà nước quản lý giá, tác động của việc tăng lương cơ bản… nhiều yếu tố được nhận định sẽ tạo ra áp lực lên thị trường giá cả năm 2018. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tỏ ra khá lạc quan và nhận định chỉ số lạm phát vẫn có thể duy trì dưới 4%.

Giá lương thực thực phẩm có thể tăng do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Ảnh: LA

Giá lương thực thực phẩm có thể tăng do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Ảnh: LA

Sức ép lên giá đến từ nhiều phía

Dự đoán về thị trường giá cả năm 2018, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định sẽ có nhiều yếu tố tác động lên giá hàng hoá như việc giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện, xăng dầu, lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục tăng, mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở năm 2018 được điều chỉnh và dự kiến làm tăng giá khoảng 5% đối với một số loại dịch vụ điện, nước, thuê người giúp việc, sửa chữa đồ dùng gia đình, bảo dưỡng nhà ở...

Các mặt hàng, dịch vụ tiêu biểu đang rậm rịch nhích giá như giá dịch vụ khám chữa bệnh (tăng khoảng 4%), giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8%-10%, giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 5-15% hay giá lương thực, thực phẩm có thể tăng do chịu ảnh hưởng của yếu tố thiên tai, thời tiết bất lợi…

Do đó, công tác quản lý điều hành giá cần hết sức thận trọng và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trước hết bởi lộ trình điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam - cho biết, theo các dự báo năm 2018 dù khó có những cú sốc (cả trong và ngoài nước) nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất lợi đến kiểm soát lạm phát. Chẳng hạn như: Giá cả hàng hóa thế giới vận động theo xu hướng tăng và tác động đến giá cả trong nước như dầu, khí tự nhiên, than đá (nhiều tổ chức lớn trên giới dự báo tăng khoảng 7-10 lên 60USD/thùng); mở rộng tín dụng, tỉ giá; tác động vòng tiếp theo của việc điều chỉnh giá điện; thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu; lộ trình giá cả một số giá hàng hóa dịch vụ Nhà nước còn định giá…

Vẫn có cơ “níu” lạm phát dưới 4%

Dù thận trọng trong đánh giá nhưng các chuyên gia vẫn tin tưởng mục tiêu Quốc hội đề ra là giữ mức lạm phát dưới 4% là khả thi. Theo đại diện Cục Quản lý giá, với tốc độ tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 trong năm 2017 và dự kiến năm 2018, lạm phát cơ bản dự báo vẫn được kiểm soát trong khoảng 1,6-1,8%. Bên cạnh đó, tỉ giá và lãi suất vẫn được điều hành ổn định, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để kìm giữ giá, các bộ ngành cần tăng cường phối hợp để có kịch bản điều hành giá hợp lý. Chẳng hạn với giá xăng dầu, Bộ Công Thương cần điều hành theo quy định, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tiếp tục lên cao trong thời gian tới, nhất là trong các thời điểm trước, trong và sau Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát. Cục Quản lý giá cũng đề nghị phải xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý “ăn theo” giá điện.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả - lạm phát năm 2018 và 2019 cũng sẽ chỉ ở mức khoảng 4% nhưng đòi hỏi nhiều nỗ lực và giải pháp như tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá, theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời…

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, yếu tố quyết định về giá cả hàng hóa là Dự trữ - chế biến - tiêu thụ và thách thức năm 2018 là sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài với hàng Việt; vấn đề ép giá và chi phí cao của các siêu thị đối với hàng Việt, tạo nên khó khăn khi hàng vào siêu thị.

Do vậy, việc điều hành cung - cầu là rất quan trọng và chính phủ cần có chính sách kích thích tiêu dùng; chính phủ cần tạo môi trường thông thoáng và giảm bớt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; cần sớm xây dựng bộ luật về bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa dễ dàng hơn, bớt chi phí cho quá nhiều khâu trung gian, làm giá đến người tiêu dùng tăng quá cao.

LÂM ANH

Theo LĐO

largeer