Mức thuế nào cho người giàu Việt?

Thứ ba, 02/07/2019, 14:03 PM

Một mức thuế hợp lý để khuyến khích làm giàu qua đó tạo dựng nguồn lực chung cho cộng đồng.

Ảnh: QH

Ảnh: QH

Số liệu thống kê từ World Ultra Wealth Report của Wealth-X cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu với tài sản trên 30 triệu USD giai đoạn 2012-2017. Tính đến tháng 3.2019, tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam, theo tính toán của Forbes là 13,6 tỉ USD, tương đương gần 6% tổng GDP của cả nền kinh tế năm 2018.

Báo cáo của Oxfarm đưa ra trước đó làm rõ hơn bức tranh bất bình đẳng: thu nhập 1 ngày của người giàu nhất nhiều hơn số tiền mà người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm; thu nhập 1 năm của nhóm 210 người siêu giàu tại Việt Nam đủ sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước.

Vấn đề ở chỗ, trong khi việc đánh thuế người giàu vẫn kẹt trong vòng luẩn quẩn, hoặc vì chưa có giải pháp, hoặc vì giải pháp chưa phù hợp như đề xuất đánh thuế tài sản là nhà đất thì gánh nặng thuế phí lại thêm trĩu nặng trên vai người nghèo. Các chuyên gia đều nhận định, nhóm người thu nhập ở mức trung bình thấp trong xã hội là nhóm chịu tác động lớn nhất bởi giá xăng dầu và giá điện cấu thành khoảng 10-15% chi phí tiêu dùng. Khoảng cách giàu nghèo càng bị kéo giãn, những hệ lụy của nó càng trở nên khó lường.

Theo chuyên gia của Oxfam, hệ thống thuế của Việt Nam đang giúp người giàu ngày càng đóng thuế ít hơn, hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình tăng trưởng. Trong khi đó, người nghèo và các nhóm yếu thế không được tiếp cận các dịch vụ công đầy đủ do thiếu đầu tư hợp lý cho giáo dục và y tế. Trong bối cảnh này, đánh thuế người giàu một cách hợp lý, qua đó, khuyến khích làm giàu để giúp người nghèo, tạo thêm nguồn thu cho nhu cầu công ích, đồng thời, tạo dựng nguồn lực để người nghèo dựa vào đó thoát nghèo là lựa chọn cần thiết và không nên trì hoãn.

8

Nhưng với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12%, nhiều người lại cho rằng sẽ khiến người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều hơn người giàu. Thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng cho phần thu nhập gắn liền với công việc hằng ngày (lương, thưởng...). Tuy nhiên những người siêu giàu lại có lương, thưởng rất thấp. Thay vào đó, nguồn thu của họ chủ yếu đến từ giao dịch mua bán công cụ đầu tư như trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản.

Vậy thì chúng ta nên bắt đầu theo cách nào để tránh được những vấp váp? Câu hỏi đầu tiên rất giản dị, người giàu Việt là ai? Ở đây, phải sử dụng phương pháp thống kê để tìm hiểu về thu nhập trung bình, mức độ sở hữu tài sản trung bình, khả năng gia tăng thu nhập thông qua tài sản nắm giữ, mức độ chi tiêu cho nhu cầu trung bình so sánh với thu nhập bình quân... của người Việt.

Trên cơ sở đó, mới có thể định lượng được mức độ sở hữu tài sản và thu nhập nào thì có thể được coi là người giàu và đề xuất được phương thức và mức độ chịu thuế của nhóm người này. Nói như chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty nghiên cứu thị trường VietAnalytics, Việt Nam đang thiếu cơ sở dữ liệu để thực hiện việc đánh thuế tài sản của nhóm người giàu trong xã hội.

Không khó để xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài sản và thu nhập của hơn 90 triệu người dân Việt nhằm thực hiện mục tiêu nói trên. Các cuộc tổng điều tra dân số, tổng kiểm kê đất đai trên toàn quốc, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, hoàn toàn có thể đưa ra được những số liệu tương đối tin cậy. Thông tin kê khai tài sản của công chức, viên chức trong hệ thống công quyền cũng có thể được sử dụng, vừa để đối chiếu với kết quả từ tổng điều tra, vừa để bổ sung vào hệ thống dữ liệu chung.

9

Thậm chí, nếu cần thiết, một mệnh lệnh yêu cầu công dân Việt kê khai tài sản và khai báo thu nhập cá nhân sẽ nhanh chóng được thực hiện và cho ra kết quả trong một thời gian ngắn. Đến đây, chúng ta phải đối diện với câu chất vấn “Liệu chúng ta đã sẵn sàng thực hiện chủ trương này?”.

Có lẽ, đây mới là nút thắt khó gỡ nhất. Người giàu có thể chính là những người có ảnh hưởng trong xã hội, có mối thân hữu với khu vực công quyền, không loại trừ khả năng bao gồm cả bộ phận công chức, viên chức.

Quyết tâm gạt đi quyền lợi riêng, đặt lợi ích chung của xã hội lên hàng đầu càng khó thực hiện nếu một phần tài sản được hình thành nhờ các hành vi khuất tất, tiêu cực... Trăn trở về thực trạng này, trao đổi với NCĐT, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, cho rằng, người giàu đang chiếm ưu thế cả về tiếng nói và quyền quyết định trong vấn đề đánh thuế tài sản của chính họ.  Rõ ràng, dù là chủ trương đúng đắn, chủ trương đánh thuế tài sản của nhóm người trung lưu, thượng lưu khó có thể thành hiện thực trong ngày một ngày hai.

Trong khi chờ đợi, tăng hiệu năng của việc quản lý thu nhập, quản lý dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền chuyển ra nước ngoài sẽ là biện pháp thực tế để giảm thiểu bất bình đẳng, tăng mức độ phân phối lại thu nhập của người giàu cho người nghèo, những đồng bào của họ. 

Khánh An

Theo nhipcaudautu.vn