Mù mắt vì tiêm filler ở spa
Làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy (filler) tại các spa, tiệm làm tóc, nhiều người đã bị lở loét, hoại tử da... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì sao tiêm filler ở spa dễ gây biến chứng?
Tiêm filler được ba ngày, nhập viện cấp cứu
PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị biến chứng sau khi chích filler làm đẹp tại các spa.
Điển hình là những ca gây hậu quả khá nghiêm trọng không chỉ về mặt thẩm mỹ mà cả sức khỏe. Nam thanh niên N.V.Đ., 26 tuổi, ngụ tại Q.8, TP.HCM, nhập viện sau khi chích filler nâng mũi được ba ngày. Đ. cho biết, mặc cảm vì chiếc mũi tẹt, ấp ủ ước mơ nâng mũi từ lâu nhưng vì mới đi làm, không dám nghỉ để phẫu thuật thẩm mỹ. Nghe bạn giới thiệu spa B.T. gần nhà có phương pháp nâng mũi bằng filler nên Đ. đã tìm đến. Cô nhân viên của spa nói chuyện như rót mật vào tai: dù chích filler chỉ duy trì vẻ đẹp được tối đa một năm nhưng chi phí rẻ, trọn gói bốn triệu đồng, đẹp tức thì, không cần thời gian tịnh dưỡng… nên Đ. gật đầu cái rụp.
Quá trình chích filler chưa đầy 15 phút. Theo lời của nhân viên, sau một ngày mũi của Đ. sẽ hoàn toàn… đẹp. Tuy nhiên, khi về nhà chiếc mũi sưng tấy, sang ngày thứ ba thì thâm đen và lan rộng cả vùng mắt, trán. Khi nhập viện, bác sĩ Tuấn xác định bệnh nhân bị hoại tử da mặt, da vùng mũi, trán; thị lực và thị trường của mắt phải tổn thương nặng. “Chúng tôi đã cho bệnh nhân dùng kháng sinh đặc hiệu để khống chế nhiễm trùng, cắt lọc hết vùng hoại tử. Ca này tiên lượng cố gắng thì cải thiện phần da nhưng không thể như xưa. Đáng tiếc nhất là mắt phải của bệnh nhân không thể phục hồi”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Sau trường hợp này chưa tới một tuần, khoa Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận thêm hai ca biến chứng sau khi chích filler tại spa. Bà P.T.X., 50 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp, đi xăm môi và tiêm chất làm đầy ở tiệm uốn tóc ở quê, bị nhiễm trùng, lở loét, chảy mủ phần môi dưới.
Còn chị T.T.C.V., 43 tuổi, ngụ tại Q.6, sau khi tiêm filler làm đầy vùng hốc mắt và xóa nhăn đuôi mắt thì bị nổi các cục u lổn nhổn. Các bác sĩ xác định chất được chích vào mắt bệnh nhân là silicon lỏng vô cùng nguy hiểm, đã bị cấm dùng trong làm đẹp. Bệnh nhân được mổ lấy bớt các cục u silicon nhưng không thể triệt để. Điều bác sĩ lo ngại nhất là thị lực của chị sẽ bị ảnh hưởng.
Vị trí “tử huyệt” bác sĩ… ngại nhưng spa làm tuốt
“Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng nhiều người vẫn chuộng làm thủ thuật tiêm filler tại spa hơn là các cơ sở y tế được cấp phép”, bác sĩ Cao Ngọc Bích - Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện An Sinh, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM - nhận định.
Theo bác sĩ Cao Ngọc Bích, kỹ thuật làm đẹp bằng filler phổ biến tới mức chiếm 30% các ca làm đẹp. Nếu ai đó muốn đẹp tức thì trong vòng từ sáu tháng tới một năm, giá phải chăng (một ca từ 2,5 triệu đồng, tùy loại) thì tiêm filler là lựa chọn tối ưu. “Thế nhưng, ở góc độ bác sĩ chúng tôi rất ngại làm kỹ thuật này, bởi khách hàng toàn có nhu cầu chích vào những vị trí “tử huyệt” như mắt, mũi. Hai vị trí nói trên rất dễ xảy ra tắc mạch nếu chích sai lớp và hậu quả là mù mắt, hoại tử da. Bởi thế, bác sĩ thường tư vấn rất kỹ hoặc sẽ không làm nếu chưa cần thiết”, bác sĩ Bích nói. Tại khoa Phẫu thuật thẩm mỹ của Bệnh viện An Sinh mỗi ngày có trên chục khách hàng đến với nhu cầu chích filler, nhưng sau khi xem xét từng trường hợp, số người được thực hiện chỉ khoảng 30 ca/tháng.
Làm đẹp bằng filler là thủ thuật mà người thực hiện cần có chứng chỉ chích filler. Tuy không có quy định nào nói phải bác sĩ mới được chích filler nhưng chỉ bác sĩ mới đủ điều kiện để được đào tạo và cấp chứng chỉ làm thủ thuật này. Quy trình thực hiện một ca chích filler không hề đơn giản. Bác sĩ phải khám, đánh giá vị trí và mục tiêu cần đạt được rồi lựa chọn loại filler thích hợp. Việc xác định khối lượng filler sẽ dùng rất quan trọng, ít quá không hiệu quả, nhiều quá dễ gây chèn ép làm tăng nguy cơ tắc mạch. Lúc chích, bác sĩ cần khéo léo chích đúng lớp: chích trong da để làm đầy sẹo lõm, chích dưới da và dưới lớp mỡ để xóa nhăn…
Tại cơ sở thực hiện kỹ thuật chích filler luôn cần có thuốc giải trừ - một loại men làm tiêu hủy filler để xử lý cấp cứu khi có dấu hiệu tắc mạch. Điều này chỉ bác sĩ mới làm được, nhân viên spa không thể phân biệt giữa dấu hiệu bầm tím và tắc mạch nên mới xảy ra những trường hợp hoại tử như kể trên.
PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết: filler có thể hiểu là chất làm đầy, dùng trong thẩm mỹ để lấp đầy khuyết điểm của cơ thể như: nâng mũi, xóa nhăn, độn cằm… Làm đẹp bằng filler rầm rộ ở Việt Nam từ vài năm nay, được ưa chuộng vì thời gian thao tác nhanh, thân thiện với cơ thể, không cần phẫu thuật, cải thiện thẩm mỹ tức thì. Filler hiện nay dùng trong thẩm mỹ có hai dạng: filler tự thân (mỡ, cơ, biểu bì da, mô của chính khách hàng) và filler sinh học tổng hợp từ các chất sinh học khác nhau. Trên thị trường hiện nay chủ yếu là filler có xuất xứ từ Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc.
Thanh Huyền
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm