Môn Mỹ thuật lồng ghép hoạt động thực hành và thảo luận nghệ thuật
Ở Chương trình phổ thông mới, việc dạy học Mỹ thuật sẽ chú trọng rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề thẩm mỹ gắn với những tình huống của cuộc sống.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục mỹ thuật được thực hiện dạy học ở cả 3 cấp và được chia thành 2 giai đoạn.
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, Mỹ thuật là môn học bắt buộc. Còn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề,đâylà môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Là môn học thuộc lĩnh vực nghệ thuật thị giác, Mỹ thuật có vai trò chủ yếu trong việc bồi dưỡng, giáo dục thẩm mỹ, góp phần đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hòa về đức, trí thể, mỹ cho học sinh.
Thông qua nội dung kiến thức cơ bản, cần thiết về mỹ thuật, chương trình môn Mỹ thuật góp phần hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thẩm mỹ; bồi dưỡng ý thức tôn trọng sản phẩm văn hoá, nghệ thuật và khả năng ứng dụng năng lực thẩm mỹ vào đời sống; trang bị cái nhìn tương đối tổng quát về những ngành nghề liên quan đến mỹ thuật để định hướng nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Qua nội dung và phương pháp giáo dục, môn Mỹ thuật góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, có tinh thần trách nhiệm; các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Chương trình nhấn mạnh các quan điểm như: khoa học và hiện đại; hệ thống và cơ bản; thực hành và thực tiễn; mở và liên thông.
Chương trình tạo cho học sinh cơ hội tiếp cận văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thế giới trên cơ sở những kiến thức cơ bản của nghệ thuật thị giác kết hợp với những kiến thức thuộc các lĩnh vực khác của giáo dục phổ thông. Chú trọng vận dụng đa dạng hình thức thực hành sáng tạo, gắn kiến thức mỹ thuật với thực tiễn cuộc sống thông qua lồng ghép hoạt động thảo luận nghệ thuật và hoạt động thực hành nghệ thuật để phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh. Hướng học sinh tới nhận thức các giá trị thẩm mỹ phù hợp với truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thời đại; giúp hình thành, phát triển những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam và những giá trị phổ quát của công dân toàn cầu.
Kết cấu chương trình môn Mỹ thuật lấy trục phát triển chính là những đơn vị kiến thức cốt lõi của mỹ thuật gồm các yếu tố tạo hình và các nguyên lý tạo hình cơ bản, nhằm bồi dưỡng, phát triển năng lực thẩm mỹ thị giác cho học sinh.
Ba mạch kiến thức xuyên suốt 3 cấp học của môn Mỹ thuật là: mỹ thuật tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, thảo luận mỹ thuật.
Ở cấp tiểu học, chương trình chú trọng hướng dẫn học sinh sử dụng kiến thức mỹ thuật để tìm hiểu, khám phá, biểu đạt bản thân và thế giới xung quanh.
Ở cấp THCS, đảm bảo cho học sinh tiếp cận với các trường phái, phong cách, di sản văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam và thế giới để vận dụng vào thực hành, sáng tạo thẩm mỹ gắn với thực tiễn.
Ở cấp THPT, chương trình được mở rộng, phát triển theo hướng tiếp cận đa ngành nghề thuộc lĩnh vực nghệ thuật thị giác và được thiết kế thành các học phần. Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, chương trình thiết kế các chuyên đề học tập, đáp ứng sở thích và thiên hướng phát triển mỹ thuật, chuẩn bị tham gia đời sống xã hội của học sinh.
Học tập bằng hoạt động trải nghiệm trong môi trường đa dạng
Dạy học Mỹ thuật theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh mà chú trọng rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề thẩm mỹ gắn với những tình huống của cuộc sống.
Thông qua lồng ghép hoạt động thực hành nghệ thuật và hoạt động thảo luận nghệ thuật, học sinh vừa là “người sáng tạo nghệ thuật” vừa là “người thưởng thức nghệ thuật, định giá các giá trị thẩm mỹ”.
Chương trình chú trọng tổ chức cho học sinh học tập bằng hoạt động trải nghiệm trong môi trường học tập đa dạng ở trong lớp học, ngoài cuộc sống, bằng thực hành, sáng tạo với các chất liệu, vật liệu sẵn có ở địa phương, vật liệu sưu tầm, tái sử dụng.
Chương trình chủ trương phối hợp sử dụng các công cụ, phương tiện học tập truyền thống với khai thác, sử dụng những thiết bị công nghệ, nguồn tài liệu internet một cách phù hợp trong tổ chức dạy học, nhằm tạo cơ hội để học sinh được vận dụng kiến thức, kỹ năng sáng tạo ra các sản phẩm mỹ thuật mang tính thời đại và đưa các sản phẩm sáng tạo vào thực tiễn đời sống.
Mục đích chủ yếu của đánh giá kết quả giáo dục là đối chiếu, so sánh năng lực học sinh đạt được với năng lực mà môn học Mỹ thuật có nhiệm vụ phát triển ở từng cấp học, từ đó giáo viên có những biện pháp cải thiện kịp thời hoạt động dạy học.
Đặt trọng tâm đánh giá khả năng nhận thức thẩm mỹ và vận dụng
Chương trình đặt trọng tâm vào việc đánh giá khả năng nhận thức thẩm mỹ và khả năng vận dụng kiến thức mỹ thuật để sáng tạo và giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn. Phương pháp đánh giá chủ yếu là đánh giá quá trình kết hợp với đánh giá tổng kết thông qua việc sử dụng những công cụ đánh giá như quan sát, nhận xét sản phẩm, dự án nhỏ, hồ sơ học tập…
Khác với chương trình hiện hành, chương trình lần này không thiết kế theo các dạng bài học độc lập, cụ thể mà tiếp cận thông qua các yếu tố và nguyên lý tạo hình dựa trên lồng ghép hoạt động thực hành nghệ thuật và thảo luận nghệ thuật.
Tuy nhiên, cách tiếp cận nội dung các dạng bài về cơ bản không thay đổi. Do đó, giáo viên cần nghiên cứu kỹ chương trình và chủ động tham gia bồi dưỡng, tập huấn là có thể thực hiện được. Đặc biệt, giáo viên tiểu học phát huy kết quả của Dự án Hỗ trợ giáo dục Mỹ thuật tiểu học (SAEPS) thì việc triển khai dạy học chương trình sẽ thuận lợi.
Ở cấp THPT, trong thời gian các trường chưa được biên chế giáo viên, có thể căn cứ trên nhu cầu lựa chọn của học sinh và điều kiện thực tiễn của nhà trường để thực hiện chương trình một cách linh hoạt như: mời giáo viên ở các cơ sở đào tạo/ tổ chức nghề nghiệp… hoặc cho phép học sinh được đăng ký học ở một cơ sở/ trường khác đáp ứng được nhu cầu học tập của bản thân.
Trong tổ chức hoạt động dạy học, nếu chuyển đổi từ dạy học ở phòng học truyền thống sang phòng học bộ môn thì sẽ phát huy được vai trò tối ưu của đặc thù môn học, cũng như khai thác sử dụng các thiết bị và đồ dùng dạy học trong dạy học Mỹ thuật.
Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay, khi việc dạy học ở các phòng học truyền thống vẫn còn phổ biến ở nước ta, nhà trường và giáo viên tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, có thể chuẩn bị một số đồ dùng trực quan trong dạy học Mỹ thuật như: Tranh, ảnh, đồ vật, đồ dùng, băng đĩa hình ảnh, tư liệu... với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật như máy tính, đèn chiếu, máy chiếu và Internet.
Mỹ thuật là môn học nghệ thuật, do vậy, việc tạo các không gian, hình thức học tập khác nhau và khai thác nguồn vật liệu sẵn có trong tổ chức dạy học sẽ thúc đẩy hứng thú, kích thích khả năng hợp tác, giải quyết vấn đề trong thực hành, sáng tạo thẩm mỹ của học sinh.
Trên đây là những nét tóm lược về chương trình môn Mỹ thuật. Dự thảo chương trình môn học này sẽ được Bộ GD-ĐT giới thiệu trong tháng 1 để nhận các ý kiến đóng góp.
Thanh Hùng
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội