Mối lo thuế quan đẩy chứng khoán Mỹ sụt điểm

Thứ năm, 16/08/2018, 13:55 PM

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, với chỉ số S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 6, do tâm lý lo ngại rủi ro của giới đầu tư gia tăng khi chứng kiến một số kết quả kinh doanh kém khả quan và cuộc chiến thuế quan toàn cầu leo thang.

Một nhà giao dịch cổ phiếu dang làm việc trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Một nhà giao dịch cổ phiếu dang làm việc trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Theo tin từ Reuters, công ty công nghệ Trung Quốc Tencent lần đầu tiên công bố mức lợi nhuận suy giảm sau gần 13 năm, gây sức ép lên nhóm cổ phiếu công nghệ niêm yết ở Phố Wall. "Cổ" công nghệ trở thành nhân tố gây giảm điểm mạnh nhất đối với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq, trong đó nhóm công nghệ thuộc S&P 500 giảm 1,1%.

Cổ phiếu Macy’s lao dốc 15,9% do nỗi lo của giới đầu tư về tỷ suất lợi nhuận của hãng bán lẻ này, cho dù Macy’s công bố doanh thu và lợi nhuận cao hơn dự báo.

"Thị trường đã rất lạc quan về kết quả kinh doanh của ngành bán lẻ. Nhưng kết quả của Macy’s đã không đáp ứng được kỳ vọng đó", chiến lược gia trưởng thị trường JJ Kinahan thuộc TD Ameritrade ở Chicago nhận định.

Tuy nhiên, mùa báo cáo kinh doanh quý 2/2018 ở Phố Wall vẫn đạt kết quả khả quan, với 79,1% số doanh nghiệp niêm yết thuộc S&P 500 công bố lợi nhuận vượt dự báo. Hiện đã có 460 công ty trong S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý 2.

Cuộc chiến thuế quan toàn cầu trở nên nóng hơn khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 15/8 tuyên bố tăng gấp đôi thuế quan áp lên một số mặt hàng Mỹ, trong khi Trung Quốc phản đối chính sách thương mại Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cổ phiếu công nghiệp, một trong những nhóm nhạy cảm nhất với thuế quan, giảm 0,5% phiên này, trong đó sự đi xuống của cổ phiếu Caterpillar và Boeing cùng đè nặng lên chỉ số Dow Jones.

"Sự kết hợp giữa nỗi lo về bất ổn lây lan từ Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã khiến thị trường toàn cầu bất an", ông Kinahan nói thêm.

Nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P 500 sụt 3,5% do giá dầu thô giảm mạnh vì dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng mạnh. Đây là mức giảm mạnh nhất của nhóm cổ phiếu năng lượng kể từ hôm 2/5.

Giá các kim loại cơ bản sụt giảm đã kéo theo nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu đầu vào, khiến nhóm này giảm 1,6%. Trong đó, nhóm cổ phiếu kim loại và khai mỏ thuộc S&P 500 mất 4,8%.

Sức ép đối với giá hàng hóa cơ bản, bao gồm kim loại, càng lớn hơn do đồng USD mạnh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã chạm mức cao nhất 13 tháng trước khi kết thúc ngày giao dịch trong trạng thái gần như đi ngang.

Chốt phiên, Dow Jones mất 0,54%, còn 25.162,41 điểm. S&P 500 sụt 0,76%, còn 2.818,37 điểm. Nasdaq hạ 1,23%, còn 7.774,12 điểm.

Mức giảm điểm của các chỉ số đã được hạn chế phần nào bởi sự đi lên của các nhóm cổ phiếu phòng thủ (defensive), trong đó có nhóm bất động sản và dịch vụ công cộng.

Cổ phiếu hãng xe điện Tesla giảm 2,6% sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) gửi trát yêu cầu đại diện hãng tới giải trình về kế hoạch của Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk về đưa Tesla trở thành một công ty tư nhân.

Cổ phiếu Canopy Growth, một công ty sản xuất cây gai dầu có trụ sở ở Canada, tăng 30%, sau khi có tin Constellation Brands - nhà sản xuất bia Corona - tuyên bố tăng nắm giữ cổ phần trong công ty này.

Thống kê kinh tế Mỹ tiếp tục có những dữ liệu khả quan, với doanh thu bán lẻ tháng 7 tăng mạnh hơn dự báo và năng suất ngành nông nghiệp tăng mạnh nhất trong hơn 3 năm.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,25 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 3,1 lần.

Khối lượng giao dịch của chứng khoán Mỹ tăng vọt phiên này, với 7,68 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch chuyển nhượng, so với mức bình quân 6,53 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Bình Minh

TBKTVN