'Miếng ngon' từ thị trường giày dép nội địa
Ngành da giày Việt Nam đã có một năm 2018 thành công trên lĩnh vực xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 20 tỷ USD, nhưng tại thị trường nội địa lại chưa chiếm lĩnh được. Thậm chí nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng làm hàng xuất khẩu thay vì đầu tư cho thị trường nội địa.
Mới chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu
Theo số liệu từ Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), mỗi năm, thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 190 triệu đôi giày dép, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu.
Thị phần còn lại chủ yếu là của hàng Trung Quốc ở phân khúc bình dân, hàng Thái Lan ở phân khúc trung cấp và một phần nhỏ là hàng cao cấp của Nhật Bản, Hàn Quốc và các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Trên con phố Hàng Dầu nổi tiếng bán giày dép của Hà Nội, hàng Trung Quốc tràn ngập với giá chỉ 100.000 – 300.000 đồng/đôi. Mỏi mắt mới tìm thấy một vài thương hiệu Việt Nam lọt thỏm trên con phố này.
Theo đại diện Công ty TNHH May Minh Tiến (Miti), người tiêu dùng trong nước hiện nay đã cởi mở hơn với giày dép nội. Tuy nhiên, để được họ lựa chọn thì sản phẩm phải có thương hiệu. Doanh nghiệp phải thực hiện chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo và lâu dài. Cùng với đó, áp lực cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp hệ thống phân phối.
Cũng than khó với thị trường nội địa, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Giày Thanh Thủy (Phú Thọ) cho biết: Làm hàng xuất khẩu dễ hơn nhiều so với tiêu thụ nội địa vì công ty chưa có thương hiệu, ít người tiêu dùng biết đến. Mặc dù Giày Thanh Thủy đã đưa sản phẩm vào các đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhằm giới thiệu sản phẩm nhưng hiệu quả đạt được thấp, thậm chí doanh nghiệp phải chịu lỗ.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso lý giải: “Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa vì mẫu mã thay đổi liên tục, giá rẻ, trong khi các cơ sở sản xuất của ta mẫu ít, ít thay đổi, giá cả cao, chất lượng không đảm bảo”.
Một khía cạnh khác ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt là năng suất lao động. Ông Thuấn cho rằng nếu không thay đổi năng suất thì “doanh nghiệp chết không chỉ ở thị trường nước ngoài mà ngay thị trường nội địa bởi có mã hàng doanh nghiệp nước ngoài làm một giờ được 1-2 đôi trong khi mình làm được có 0,5 đôi”.
Chủ tịch Lefaso đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, giảm bớt quy trình sản xuất và giá thành.
Thay đổi mẫu mã là khâu cốt lõi
Giày dép là sản phẩm thời trang. Do đó, yếu tố đầu tiên để người tiêu dùng quyết định chọn mua sản phẩm là phải đẹp, bên cạnh độ bền. Biti’s là một doanh nghiệp giày dép trong nước đã rất thành công trong những năm qua với dòng sản phẩm Hunter, đáp ứng được cả tính thẩm mỹ lẫn chất lượng sản phẩm.
Dù là một doanh nghiệp đã rất uy tín với người tiêu dùng, 6 năm liền đạt Thương hiệu Quốc gia, song doanh nghiệp vẫn không ngừng đổi mới, không hài lòng với những gì mình đã có. Người tiêu dùng từ lâu đã quen với hình ảnh đôi giày “ăn chắc mặc bền” nhưng không quá nổi bật về kiểu dáng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Biti’s Hunter và sức nóng của nó đã đánh dấu một trang mới cho Biti’s với nhận xét “sự trở lại mạnh mẽ của thương hiệu Việt”.
Sản phẩm Hunter dùng công nghệ dệt Liteknit đan các loại sợi thành thân giày chắc chắn, tính đàn hồi cao, nhiều lỗ thoáng khí, bắt mắt hơn so với các vật liệu như da, vải. Thiết kế mới này loại bỏ logo Biti’s sau thân giày trông nặng nề, chỉ để lại phần quai gọn gàng có chữ Hunter. Dòng sản phẩm đã gây cơn sốt trong giới trẻ trong năm 2017 - 2018. Nhiều thời điểm doanh nghiệp này cháy hàng, khách phải đặt trước mới mua được hàng. Doanh số đạt kỷ lục. Phiên bản Hunter đầu tiên của Biti’s hút 50 ngàn đôi chỉ trong năm tháng.
“Rẻ và bền không còn là yếu tố cạnh tranh chủ lực trong thời đại mới, đặc biệt là đối với sản phẩm giày thể thao thời trang. Ngày nay, người tiêu dùng trẻ muốn thể hiện phong cách và cá tính thông qua thương hiệu mà mình sử dụng. Với màu sắc nổi bật, trẻ trung cùng với kiểu dáng hiện đại, Biti’s Hunter không bị lép vế khi đặt bên cạnh các sản phẩm giày nổi tiếng nước ngoài như Nike, Adidas”, đại diện Biti’s cho hay.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso, hiện nay một số nhà sản xuất trong nước đã chủ động xây dựng mẫu thiết kế, tạo thương hiệu sản phẩm riêng. Tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp làm được điều này.
Trước mắt, để giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường trong nước, hiệp hội tập trung xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng và quy tụ các doanh nghiệp đạt tiêu chí thành chuỗi để đưa vào các trung tâm siêu thị, cửa hàng; xây dựng các chương trình truyền thông, giới thiệu sâu rộng tới người tiêu dùng về quy trình sản xuất cũng như tiêu chí các sản phẩm đó đạt được.
Để thiết kế đúng nhu cầu của người tiêu dùng, khâu nghiên cứu thị trường cũng rất quan trọng. Thị trường nội địa với đặc trưng là đơn hàng nhỏ, xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhanh, khả năng tồn kho cao nên đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển phù hợp.
Thực tế cho thấy, xu hướng tiêu dùng nội địa đối với sản phẩm giày dép là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và cạnh tranh với hàng ngoại cùng chủng loại. Với mức tiêu thụ bình quân tăng khoảng 8%/năm trong những năm tới thì lượng giày, dép tiêu thụ trong nước tăng khoảng hơn 10 triệu đôi/năm. Dư địa cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành còn rất lớn.
Hoàng Dương/Báo Tin tức
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường