Mexico và Canada: Điểm đến của sản phẩm Việt Nam trong CPTPP
Sau khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, Mexico và Canada đang nổi lên là thị trường tiềm năng của sản phẩm Việt.
Mexico và Canada đang mở cửa cho sản phẩm Việt
Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào các nước trong nội khối CPTPP tăng tới 22,5% và cao hơn cả mức chung toàn ngành. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Canada và Mexico là 2 thị truờng đang mở rộng cửa cho sản phẩm Việt Nam.
Cụ thể, trong tổng số khoảng 500 giấy chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi về thuế cho sản phẩm xuất khẩu vào CPTPP mà Bộ Công thương cấp cho doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2019 thì có tới 90% là hàng hóa xuất sang 2 thị trường Canada và Mexico. Thị trường CPTPP đang mở ra cơ hội, tiềm năng rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Tham gia thị trường CPTPP, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ ngay đến 78%-95% dòng thuế khi xuất khẩu các loại hàng hóa mà Việt Nam đang có ưu thế như đồ gỗ, da giày, dệt may, thủy sản vào những thị trường của CPTPP.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuât khẩu Thủy sản cho biết Canada có nhu cầu nhập khẩu thủy sản lớn và là thị trường tiềm năng với kim ngạch hiện nay đạt 240 triệu USD.
Trong số các quốc gia tham gia CPTPP, Canada là một trong những nước có mức cam kết mở cửa thị trường cao nhất, với hàng nghìn dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trở về 0%, đặc biệt với mức cắt giảm thuế lên tới 95% số dòng thuế, bao trùm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, cho biết.
Hiện Mexico cũng là “điểm đến” thu hút cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong quý đầu năm nay, tính tới hết tháng 3.2019, giá trị xuất khẩu sang Mexico đạt 34,15 triệu USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Vẫn là hạn chế từ nguyên liệu
Nếu các sản phẩm thuỷ sản phải lưu ý đến an toàn thực phẩm thì đồ gỗ, da giày, dệt may lại phải lưu ý đến quy tắc xuất xứ. Đây cũng là điểm nghẽn trong việc hưởng ưu đãi khi xuất khẩu vào CPTPP.
Hiện sản phẩm Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết những ưu đãi từ CPTPP vì hạn chế nguồn nguyên liệu. Để được hưởng mức ưu đãi lớn về thuế suất này thì các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam xuất đi phải đảm bảo đúng quy tắc xuất xứ hàng hóa của CPTPP.
Cụ thể là các sản phẩm xuất khẩu phải có xuất xứ nội khối CPTPP mới được miễn giảm thuế. Trong khi hiện nay, nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ví dụ như với sản phẩm may mặc xuất khẩu, yêu cầu là từ xơ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP. Trong khi các doanh nghiệp Việt đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP.
Để chủ động được nguồn nguyên liệu ngay từ trong nước, ví dụ như bông vải, xơ sợi là bài toán rất nan giải mà các doanh nghiệp cũng như đại diện các bộ chức năng vẫn chưa thể đưa ra được giải pháp cũng như tiếng nói chung.
Trong đó, theo các doanh nghiệp, khó khăn nhất là về nỗi lo môi trường khi phát triển các nhà máy, cơ sở dệt nhuộm tại Việt Nam vì Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam rất khắt khe.
Nhiều doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng muốn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm tại Việt Nam nhưng cũng gặp khó khăn về luật môi trường và hầu hết các tỉnh còn quỹ đất đều từ chối.
Minh Anh
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường