Luật sư Việt trong vòng xoáy Covid-19
Nhiều công ty luật phải cắt giảm phần lớn nhân sự do không có thu nhập, khách hàng sụt giảm, một số hợp đồng không thể thực hiện.
Ngày 22/7, thời điểm TP HCM siết chặt chỉ thị 16 khi số ca mắc Covid-19 của thành phố ở con số 45.000, luật sư Kiều Anh Vũ bắt đầu những ngày "chưa bao giờ ở nhà nhiều đến thế". Công ty luật của anh đóng cửa do không thuộc lĩnh vực thiết yếu có thể được hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.
Khi dịch chưa bùng phát, giám đốc Vũ hối hả với công việc của luật sư cũng như giảng dạy tại một số nơi. Liên tục nhiều những ngày, buổi sáng, anh tham gia tranh tụng tại phiên toà, chiều đến Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, tối gặp khách hàng và "lặn" trong đống tài liệu đến quá nửa đêm.
Giờ khi giãn cách, hàng chục vụ án cần nghiên cứu nhưng hầu hết hồ sơ đang ở công ty. Nhiều cuộc cuộc điện thoại của khách hàng gọi đến anh với cùng nội dung: "Toà hoãn, quá trình tố tụng kéo dài đến bao giờ? Việc thực hiện các điều khoản theo hợp đồng giữa hai bên sẽ thế nào?". Dịch bệnh ập đến kéo theo những điều không có tiền lệ, anh cũng không biết mọi chuyện sẽ thế nào.
Không phải đến lúc này, luật sư Vũ mới cảm nhận được "sức nóng" của đại dịch. Với đặc thù công ty luật chuyên lĩnh vực thương mại, từ giữa năm 2020 thu nhập từ mảng tư vấn pháp lý nhập cảnh, visa, thành lập công ty, thủ tục đầu tư, cấp phép lao động ngoại quốc... đã chính thức "đóng băng".
Vũ ước tính, doanh thu của công ty đã giảm trên 95%. Không có việc, công ty luật mới thành lập 3 năm của anh phải cho 5 trong 7 nhân viên tạm hoãn hợp đồng lao động, hiện chỉ còn anh và một trợ lý.
Trong làn sóng dịch bệnh thứ 4, những khách hàng ít ỏi còn lại của luật sư Vũ cũng cắt tối đa chi phí dịch vụ pháp lý. "Có việc đã kết thúc nhưng doanh nghiệp cạn tiền thanh toán, mình cũng chẳng nỡ đòi lúc này", anh chia sẻ.
Những ngày giãn cách, Vũ có nhiều thời gian chơi cùng con gái, được ngủ nhiều hơn và giúp vợ làm việc nhà. Anh tích cực tham dự nhiều cuộc hội thảo trực tuyến miễn phí của các tổ chức luật quốc tế. Trong khi trước đây để tham gia, anh phải trả tiền đăng ký hàng nghìn USD, chưa kể chi phí đi lại đắt đỏ.
Ở nhà làm việc, Vũ không ngờ có ngày dịch bệnh "gõ cửa". Ngày 17/8, sau những chuỗi triệu chứng điển hình, vợ chồng anh, mẹ anh và con gái 2 tuổi được xác định nhiễm nCoV. Thể trạng tốt và tải lượng virus mức độ thấp, họ xin tự điều trị tại nhà.
Vũ động viên cả nhà tinh thần lạc quan, đảm bảo sức khoẻ, tuân thủ hướng dẫn từ xa của nhân viên y tế. Đúng Quốc khánh, cả gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần, chính thức khỏi bệnh.
Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, thành phố nới lỏng một số dịch vụ, luật sư Vũ hy vọng chuỗi ngày "3 tại chỗ" của mình sẽ sớm khép lại để dần sớm quay về các hoạt động như trước.
Nhiều luật sư ví nghề của mình như "hải sản" trong bữa cơm, "khá giả mới ăn, khi kinh tế kiệt quệ, phải ưu tiên mua rau, gạo trước". Vì vậy, trong giai đoạn dịch bệnh, dịch vụ luật sư như một "món ngon" người dân không thể mua hằng ngày. Ảnh hưởng nặng nhất là công ty luật ở các tỉnh có dịch, giãn cách dài ngày. Ở các địa phương khác, lượng khách, công việc cũng sụt giảm.
Do các tỉnh, thành lân cận Hà Nội, hoạt động xét xử tại toà án vẫn diễn ra, khác với luật sư Vũ, doanh thu của văn phòng luật sư Vũ Tiến Vinh giảm khoảng 50%. Nhưng bù lại, chi phí xét nghiệm cũng không nhỏ và tốn nhiều thời gian.
Từ giữa tháng 7, khi bắt đầu đợt dịch thứ 4, trung bình 4 ngày, luật sư Vinh xét nghiệm Covid-19 một lần. Thời gian đầu, các cơ quan tố tụng, trại giam chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh Covid-19 khi làm việc với luật sư. Song đầu tháng 8, khi các cụm dịch mới xuất hiện, số ca mắc tăng lên mỗi ngày tới gần 100 người, luật sư Vinh bắt buộc có phiếu xét nghiệm PCR. Điều này đồng nghĩa, anh phải chờ đợi thời gian trả kết quả xét nghiệm lâu hơn, giá cũng gấp 2-3 lần, khoảng một triệu đồng mỗi lần.
Trước đây khi đến tham gia phiên toà, anh chỉ cần tập trung nhớ chi tiết vụ án và luận điểm, chiến thuật bào chữa. Giờ anh cần nhớ thêm thủ tục xét nghiệm, đặt hẹn với cơ quan tố tụng để khớp với thời hạn giấy đi đường, tìm hiểu tỉnh mình đến có yêu cầu gì thì mới cho đi vào. "Những tiểu tiết này khiến luật sư bị phân tán và áp lực rất nhiều", vị luật sư với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề chia sẻ.
Hoạt động xét xử tại Hà Nội hầu như ngừng lại từ giữa tháng 7, hàng chục vụ án anh tham gia bị tồn đọng. Không gặp trực tiếp, chuyển sang chế độ làm việc online với khách hàng, luật sư Vinh thấy tuy tiết kiệm thời gian đi lại nhưng lại nảy sinh một số vấn đề.
Nhiều tài liệu, anh khó xác định tính trung thực khi khách hàng gửi qua ảnh chụp. "Nếu xem tài liệu bản cứng, tôi có thể nhận ra con dấu giả, chữ ký giả, các chi tiết tẩy xoá", luật sư Vinh nói và cho hay khi đánh giá sai sẽ dẫn đến nội dung tư vấn bị ảnh hưởng.
Với một nửa khách hàng ở ngoại tỉnh, luật sư Phan Văn Chiều (Công ty luật Hà Châu, tỉnh Hà Tĩnh) mỗi tháng ra khỏi địa bàn 4-5 lần đều cần có phiếu kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Những vụ án do tòa chỉ định, luật sư được cấp kinh phí, còn lại họ tự chi trả phí xét nghiệm.
Anh chia sẻ, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của cả khách doanh nghiệp và cá nhân gần như về 0, vì đều trong giai đoạn "thắt lưng buộc bụng". Số lượng khách hàng vì thế giảm đáng kể.
Nhiều luật sư cho rằng đây là giai đoạn khó khăn tạm thời nhưng sẽ rất khắc nghiệt với luật sư trẻ. Không tiền, không kinh nghiệm, không mối quan hệ, không ít người vừa cầm tấm thẻ luật sư đã phải tạm cất để làm công việc khác vì mưu sinh. "Đây là những người sẽ thuộc nhóm nhân sự bị các công ty, văn phòng luật cắt giảm đầu tiên trong bối cảnh khó khăn này", luật sư Vinh chia sẻ.
Thanh Lam - Đức Hùng
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội