Lợi suất trái phiếu tăng, kéo tụt chứng khoán Mỹ
Giá cổ phiếu ở Phố Wall tiếp tục chịu sức ép giảm từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao...
Thị trường chứng khoán Phố Wall ngày thứ Sáu có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp, dưới sức ép của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao sau khi báo cáo việc làm khả quan khép lại một tuần với loạt dữ liệu kinh tế tốt.
Theo tin từ Reuters, dẫn đầu sự giảm điểm phiên này là những cổ phiếu công nghệ và dịch vụ truyền thông lớn, bao gồm nhóm FAANG đình đám - nhóm bao gồm cổ Facebook, Amazon, Apple, Netflix, và Alphabet. Trong đó, cổ phiếu Amazon sụt 1%.
Dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy số việc làm mới được tạo ra trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở nước này trong tháng 9 là thấp hơn dự báo do ảnh hưởng của cơn bão Florence. Tuy nhiên, dữ liệu việc làm mới của tháng 7 và tháng 8 đều được điều chỉnh lên mức cao hơn. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3,7%, mức thấp nhất gần nửa thế kỷ.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, thị trường việc làm của Mỹ có lẽ đang ở thời kỳ tốt nhất trong cả một thế hệ. Không ai có thể tranh cãi hay phủ nhận điều đó", chuyên gia kinh tế cao cấp Russell Price thuộc Ameriprise Financial Services nhận định.
"Bản báo cáo việc làm đang trở thành báo cáo lạm phát", ông Price đánh giá.
Thống kê trên nâng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức 3,248%. Lợi suất tăng gây áp lực giảm cho thị trường cổ phiếu vốn đang ở ngưỡng điểm gần kỷ lục, đặt ra mối lo về mức định giá của những cổ phiếu đắt đỏ hơn trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý đang tới gần.
Sau khi dữ liệu việc làm được công bố, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai về lãi suất nâng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 12. Các chỉ số về kỳ vọng lạm phát cũng đi lên.
"Cổ phiếu không còn lựa chọn nào khác, vì nếu chúng không giữ được khả năng cạnh tranh với trái phiếu, loại tài sản có lãi cố định và rủi ro thấp, thì mọi người sẽ dừng mua chúng và chuyển sang mua trái phiếu", nhà phân tích kỹ thuật Walter Zimmerman thuộc ICAP nhận định. "Làm thế nào thị trường cổ phiếu có thể giữ được sức cạnh tranh? Chỉ còn cách giá cổ phiếu giảm xuống để tỷ suất lợi nhuận tăng".
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,68%, còn 26.447,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,55%, còn 2.885,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 1,16%, còn 7.788,45 điểm.
Tính chung cả tuần, S&P mất 0,98%; Dow trượt 0,04%; và Nasdaq sụt 3,2%. Đây là tuần giảm mạnh nhất của Nasdaq kể từ tháng 3.
Nhóm công nghệ giảm 1,27% phiên này, đánh dấu ngày giảm thứ hai liên tiếp. Cổ phiếu Apple mất 1,6% sau khi quỹ Greenlight Capital cho biết đã bán nốt cổ phiếu Apple vì lo sợ "sự trả đũa của Trung Quốc đối với các chính sách thương mại của Mỹ. Cổ phiếu hai "ông lớn" công nghệ khác là Intel và Microsoft cũng đi xuống.
Nhóm dịch vụ truyền thông, với những cổ phiếu như Netflix, Facebook và Alphabet, sụt 1,04%.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, duy nhất chỉ có nhóm dịch vụ tiện ích - một nhóm cổ phiếu phòng vệ - tăng phiên này, với mức tăng 1,57%.
Cổ phiếu Tesla sụt 7,05%, sau khi Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk của hãng sản xuất xe điện này gây lo ngại bằng lời "chế nhạo" nhằm vào Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) thông qua mạng xã hội Twitter. Giới giao dịch cho biết các nhà bán khống cổ phiếu Tesla đã "trúng đậm" trong quý vừa qua.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,15 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,27 lần.
Có tổng cộng 7,62 tỷ cổ phiếu được giới giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, so với mức bình quân 7,16 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Bình Minh
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường