Lời kể những người trong cuộc hé lộ "canh bạc" nhằm tạo ra vắc xin Covid-19 trong thời gian ngắn kỷ lục

Thứ bảy, 28/08/2021, 11:12 AM

Công nghệ mRNA đã giúp các hãng dược không mấy tên tuổi như Moderna và Pfizer tạo ra vắc xin chống Covid-19 trong thời gian ngắn kỷ lục. Tuy nhiên, đằng sau nó là những quyết định "để đời" của những người lãnh đạo.

photo1630122773451-16301227736942011624001

Trong bộ phim tài liệu về cuộc đua vắc xin vừa mới được phát hành, lãnh đạo của Moderna và Pfizer & BioNTech đã hé lộ về khoảnh khắc họ quyết định phải tạo ra vắc xin để chống lại đại dịch toàn cầu cũng như màn cược vào công nghệ mRNA, vốn mới lạ với cả giới khoa học.

Sức mạnh của công nghệ mRNA đang được cả thế giới biết tới khi vắc xin mà Modenna và Pfizer & BioNTech tạo ra đã làm giảm đáng kể khả năng lây lan của virus Sars-CoV-2 cũng như ngăn chặn các triệu chứng nặng. Tuy nhiên, chỉ đầu năm 2020, virus này vẫn là một bí ẩn khi nó bùng phát ở Vũ Hán. Công nghệ mRNA khi đó cũng chỉ là một canh bạc.

Trong thời gian đầu, việc quyết định huy động toàn lực một doanh nghiệp vào phát triển vắc xin có vẻ là quyết định liều lĩnh. Tuy nhiên, những dấu hiệu từ đại dịch ở Trung Quốc đã đủ rõ ràng để Stephane Bancel, CEO của Moderna và Ugur Sahin, CEO của BioNTech bắt đầu chuyển hướng doanh nghiệp của mình.

yq-vaccines-29032021-16301228424541819054860

"Vào cái đêm Trung Quốc đóng cửa Vũ Hán, tôi phân vân trong đầu câu hỏi lần cuối cùng người ta đóng cửa một thành phố mà tôi biết là khi nào. Tôi cũng nảy ra câu hỏi: Người Trung Quốc đã biết những gì mà chúng ta không biết?", Bancel kể lại.

Thức dậy với mồ hôi đầm đìa lúc 4 giờ sáng, Bancel nhận ra rằng: "Chúa ơi, chúng ta sắp có một đại dịch như năm 1918 (Đại dịch cúm Tây Ban Nha)".

Trong khi đó, nhận thức của Sahin về tính nghiêm trọng của đại dịch xuất hiện sau khi ông đọc một bài nghiên cứu trên tờ Lancet hồi cuối tháng Giêng về đại dịch ở Trung Quốc. "Tôi thực hiện một số tính toán và nhận ra rằng đại dịch đã lan rộng. Rõ ràng, đã quá muộn để ngăn chặn căn bệnh này", ông Sahin cho biết.

Tuy nhiên, chính lúc đó, Sahin tin rằng công ty BioNTech của ông, vốn đang tập trung vào các liệu pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa, có thể làm được điều gì đó. Ông đã liên hệ với Pfizer để hợp tác nghiên cứu sản xuất một loại vắc xin chống Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA mà họ từng hợp tác để chống lại bệnh cúm.

"Chúng tôi đã có những liên lạc đầu tiên vài ngày sau khi bắt đầu dự án. Thời điểm đó, Pfizer vẫn chưa mấy quan tâm", Sahin nhớ lại.

Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer, cũng đã xác nhận câu chuyện của Sahin. Bourla cho biết, vào những tháng đầu năm 2020, công ty của ông vẫn tập trung vào việc duy trì hoạt động thường ngày tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2, ông xác định Pfizer phải nghiên cứu một phương pháp điều trị và một loại vắc xin mới chống Covid-19.

Kathrin Jansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vắc xin của Pfizer, cho biết họ đã đánh giá tất cả các công nghệ hiện hữu và nhận thấy "chúng có quá ít ưu điểm nhưng lại quá nhiều khuyết điểm". Ngoài ra, những công nghệ này đều đã có những doanh nghiệp khác tiên phong trong nghiên cứu.

mrna-covid-19-vaccine-750x500-16301229260481038677502

 Tuy nhiên, theo đuổi vắc xin công nghệ mRNA cũng là một rủi ro. Chưa bao giờ công nghệ này được sử dụng để chế tạo vắc xin hay tạo ra được một phương thức điều trị được phê duyệt.

"Tôi đã đấu tranh rất nhiều với quyết định này. Nhưng sau cuộc họp khác với nhóm, họ đã thuyết phục được tôi", CEO Pfizer cho biết.

Đó cũng là khi Sahin, CEO của BioNTech, gọi lần thứ 2. Lúc ấy, đại dịch đã bùng lên ở New York. Sahin nói về những việc mà công ty của ông đang làm và hỏi Pfizer về khả năng hợp tác cùng nhau để tạo ra một loại vắc xin đột phá.

"Và tôi nói chắc chắn rồi. Chúng ta hay thảo luận về điều này", Jansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vắc xin của Pfizer, nhớ lại.

Nắm giữ công nghệ mRNA từ những năm 2010, gần như chắc chắn Moderna sẽ không lựa chọn một phương thức phát triển vắc xin nào khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sẽ không có thắc mắc nào được đặt ra.

Tiến sĩ Stephen Hoge, Chủ tịch của Moderna, nhớ lại: "Ngay cả khi đã bước sang tháng 3, vẫn có những ý kiến cho rằng vắc xin là hy vọng sai lầm. Tôi có cảm giác phải bảo vệ ý tưởng của mình trong một thời gian rất dài".

Hamilton Bennett, giám đốc bộ phận quan hệ đối tác và tiếp cận vắc xin của Moderna, nói rằng giai đoạn đầu, nỗ lực của Moderna gặp rất nhiều nghi ngờ. Chỉ tới khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, "mọi người mới bắt đầu nhận ra rằng những gì chúng tôi đang làm là để giải quyết vấn đề chứ không phải chứng minh cho công nghệ của mình", Bennett nói.

May mắn cho các doanh nghiệp tiên phong và may mắn cho cả thế giới, công nghệ mRNA mà họ phát triển đã thành công. Vắc xin chống Covid-19 được tạo ra trong thời gian ngắn kỷ lục và đang được sản xuất đại trà nhằm tiêm chủng cho cả thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu miễn dịch cộng đồng vẫn đang rất xa vời khi số vắc xin được sản xuất chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu.

Trong khi đó, sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta tiếp tục đặt ra một câu hỏi lớn với các nhà sản xuất vắc xin nhằm đảm bảo thuốc của họ có thể chống chọi với tất cả các biến thể Covid-19, vốn có khả năng xuất hiện tỷ lệ thuận với số ca nhiễm. Cuộc chiến chống Covid-19 có lẽ sẽ không sớm kết thúc ngay cả khi có vắc xin.

Linh Anh

Theo nhipsongkinhte.toquoc.vn