Lo sợ điều gì mà các hãng ô tô đua nhau giảm giá bán?
Sau Tết Nguyên đán 2019, nhiều loại ô tô trên thị trường đồng loạt giảm giá bán. Vì sao các hãng xe lại giảm giá bán trong khi trước Tết giá xe vẫn còn cao?
Giảm giá, tặng thêm phụ kiện
Sau Tết Nguyên đán 2019, hàng loạt dòng ô tô thông báo giảm giá bán, giúp người tiêu dùng được lợi không nhỏ. Hai dòng xe hút hàng nhất trước Tết 2019 là Hyundai Santa Fe và Honda CR-V buộc khách hàng phải mua thêm phụ kiện mới có xe ngay, nay cũng giảm mạnh giá bán.
Trước Tết, xe Santa Fe của hãng Hyundai (Hàn Quốc) buộc người mua chi thêm 100-130 triệu đồng gắn thêm phụ kiện, nay chỉ yêu cầu mua một nửa (50-80 triệu đồng). Xe Honda CR-V giảm nhiều nhất khi bỏ hẳn yêu cầu mua phụ kiện đến cả trăm triệu đồng. Tại Việt Nam, Honda CR-V có 3 phiên bản với giá bán trên dưới 1 tỷ đồng.
Hầu hết các dòng xe đều giảm giá, các xe đều nằm ở phân khúc giá xoay quanh mức 1 tỷ đồng/xe. Dòng xe giảm giá mạnh đáng chú ý nữa là Ford EcoSport, với mức giảm 15-40 triệu đồng đi kèm ưu đãi được tặng phụ kiện. Điều này trái ngược với chính sách mua xe bị ép mua thêm phụ kiện trong những tháng cuối năm 2018.
Khi được hỏi về mức giá xe Toyota Camry 2.0E vốn đang được ưa chuộng, bà Bính - nhân viên bán hàng tại showroom trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vồn vã cho biết: Dòng xe Sedan này có giá 997 triệu đồng, nếu mua ngay sẽ được giảm giá đến 25 triệu đồng và tặng kèm phụ kiện trị giá 20 triệu đồng (giảm gần 5% giá trị xe).
Ngay cả những dòng xe ít giảm giá nhất như Chevrolet Colorado cũng buộc chạy đua tìm khách hàng bằng cách tặng thêm phụ kiện. Ông Tâm - nhân viên bán hàng tại showroom Phú Mỹ Hưng (đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM) cho biết hầu hết xe đều có ưu đãi. Chẳng hạn dòng Colorado 2.5L 4×2 AT LT có giá 651 triệu đồng, dù không giảm giá trực tiếp nhưng khách hàng được tặng phụ kiện và các khoản khác tổng cộng 10-12 triệu đồng khi mua xe.
Đối với xe Vinfast do Việt Nam sản xuất, chính sách bán hàng vẫn không thay đổi. Mức giá “3 không cộng ưu đãi” được duy trì từ cuối năm 2018 đến hết tháng 8/2019 và giảm dần theo từng đợt. Cụ thể, khi về mức “3 không”, SUV Lux SA 2.0 có giá hơn 1,8 tỷ đồng, Sedan Lux A 2.0 giá gần 1,4 tỷ đồng và Fadil có giá 423 triệu đồng.
Đặc biệt thị trường xe tải vẫn không giảm giá. Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng - Giám đốc Công ty Ô tô Miền Nam, xe tải có thị trường riêng, người tiêu dùng mua để phục vụ nhu cầu công việc, không xem là tài sản như xe con nên không bị giảm giá ở thời điểm này. Ngoài ra, phí trước bạ và nhiều thứ thuế khác của xe tải vốn thấp hơn nhiều so với ô tô cá nhân, cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi các chính sách về ô tô nói chung.
Tranh thủ xả hàng vì sợ giảm tiếp?
Khi tư vấn về mẫu xe Toyota Camry 2.0E, bà Bính cho biết xe đang có là mẫu 2018, nhưng giấy tờ vẫn ghi thời điểm 2019. Bà cho rằng, nếu muốn lấy mẫu 2019 thì phải đợi đến giữa năm, vả lại giá xe cũng cao hơn. Chủ yếu để khách hàng chịu mua mẫu xe cũ. Đó cũng là tình trạng chung của các showroom hiện nay.
Dễ thấy rằng, giá xe cuối năm 2018 cao bất thường chủ yếu do các đại lý “làm giá” vì lượng xe nhập về Việt Nam nhỏ giọt, do vướng Nghị định 116 (quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô). Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô trong năm 2018 đạt trên 288.000 xe, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2017. Dù xe lắp ráp trong nước tăng gần 11% nhưng lượng xe nhập khẩu giảm tới 6%. Hiện tại, lượng xe nhập về đã nhiều hơn, nhu cầu mua xe sau Tết cũng không cao như dịp cuối năm khiến hầu hết các dòng ô tô buộc phải giảm giá mạnh.
Thực tế cho thấy, Nghị định 116 không ảnh hưởng nhiều đến giá bán. Mặt khác, xe nhập nguyên chiếc và linh kiện nhập từ ASEAN đã giảm về mức 0% từ đầu năm 2018. Tuy vậy giá xe không giảm mà còn tăng. Nguyên nhân chỉ có thể là các đại lý chính hãng và nhà nhập khẩu tư nhân cố tình “ôm hàng” để tạo thị trường khan hiếm nhằm đẩy giá bán lên cao. Nay họ buộc phải giảm giá bán để đẩy lượng hàng tồn là những mẫu xe cũ ra thị trường, vì giá ô tô trong năm 2019 rất có khả năng sẽ giảm tiếp do quy định mới.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe sản xuất trong nước theo tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể, “giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 9 chỗ trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước”. Động thái này nhằm khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hạ giá thành sản phẩm. Khi thuế giảm sẽ tác động đến thị trường chung, giúp giá bán ô tô giảm tiếp.
Ông Võ Quốc Bình - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Bình Minh, đơn vị kinh doanh ô tô tư nhân, cho rằng thực tế có thể khác. Thay đổi cách tính thuế về lý thuyết sẽ giúp giá xe giảm, nhưng với những dòng xe nhập nguyên chiếc chắc chắn không giảm. Đối với các xe lắp ráp trong nước, tình trạng “giữ giá để giữ lợi nhuận” có thể là rào cản. “Điển hình là vụ giảm thuế nhập khẩu ô tô nội khối ASEAN về 0% nhưng giá xe vẫn không giảm” - ông Bình nhận xét. Vả lại, tỷ lệ nội địa hóa của ngành sản xuất ô tô Việt Nam hiện còn rất thấp, đến nay chỉ mới đạt khoảng 7-10% so với mục tiêu 40-60% của 10 năm trước. Nên nếu có giảm giá cũng không giảm nhiều.
HOÀNG YẾN
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam