Lỗ 3.000 tỷ vì COVID-19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xin vay 800 tỷ đồng
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xin vay 800 tỷ đồng, lãi suất 0% để bổ sung nguồn vốn bị lỗ từ đầu năm do đại dịch COVID-19.
Chia sẻ VTC News ngày 23/6, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết vừa kiến nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cung cấp một gói hỗ trợ khẩn cấp để giúp VNR cân đối dòng tiền do bị sụt giảm mạnh doanh thu vì COVID-19.
Theo đó, VNR kiến nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Chính phủ cấp gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn do bị lỗ khoảng 3.000 tỷ đồng.
VNR cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm.
Cùng đó, VNR kiến nghị được giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm nay và các năm tiếp theo; Miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt cho năm 2021.
Ngoài ra, VNR kiến nghị ưu tiên được tiêm phòng vaccine cho trên 6.000 lao động tuyến đầu vì có nguy cơ cao bị lây nhiễm.
Theo lãnh đạo VNR, dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát trở lại từ ngày 27/4/2021. Cho đến thời điểm hiện tại, dịch đã xuất hiện ở 35 tỉnh thành trên toàn quốc. Nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, có số ca nhiễm dịch lớn, có ổ dịch phức tạp đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP.HCM... Trong khi đó, nhiều địa phương quy định hạn chế đón, trả khách đến từ các địa phương đang có dịch và người về từ các vùng dịch phải thực hiện cách ly từ 14 đến 21 ngày đã làm cho lượng khách đi tàu sụt giảmnghiêm trọng.
Dịch bùng phát ngay vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã khiến 11.383 vé đường sắt bị trả lại, với doanh thu xấp xỷ 4 tỷ đồng. Trong tháng 5/2021, tổng số đoàn tàu khách bãi bỏ là: 393 đoàn, trong đó số đoàn tàu Thống nhất là 38 đoàn, số đoàn tàu khách địa phương là 355 đoàn.
COVID-19 buộc VNR cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến đường sắt. Điều này dẫn đến người lao động không có việc làm, các đơn vị vận tải đường sắt phải cho lao động nghỉ tạm hoãn Hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, nghỉ luân phiên.
Số lao động này chủ yếu là ở các Công ty Vận tải do bị bãi bỏ các đoàn tàu nên không có việc làm. Riêng khối khai thác nhà ga, khối đầu máy, khối điều hành vẫn phải đảm bảo duy trì do đặc thù ngành Đường sắt việc chạy ít hay nhiều tàu vẫn phải đảm bảo đủ các chức danh, ban kíp làm việc toàn thời gian.
"VNR vẫn đang nỗ lực cân đối để duy trì việc làm cho các khối nói trên để khi đại dịch kết thúc, sản lượng vận chuyển phục hồi thì có thể kịp thời, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài qua năm 2022, nguy cơ mất hết vốn chủ sở hữu có thể xảy ra, do đó việc không có đủ dòng tiền trả lương người lao động sẽ là khó khăn của Tổng công ty", văn bản của VNR nhấn mạnh.
HOÀ BÌNH
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường