Lấy đất làm hầm Đèo Cả: Đơn vị thi công khẳng định không "phá rừng"
Liên quan tới kết quả kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án khai thác đất phục vụ thi công Dự án hầm đường bộ Đèo Cả của Thanh tra Chính phủ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch, ông Nguyễn Xuân Hưởng vừa có ý kiến chính thức.
* Ông nói sao về thông tin phản ánh Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch “phá rừng phòng hộ” để khai thác vật liệu phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả?
- Những ngày vừa qua chúng tôi có nhận được một số thông tin đề cập đến kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đối với Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch trong việc “phá rừng phòng hộ” tại dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Thông tin này chưa thể hiện hết được bản chất của sự việc nên dễ gây ra sự ngộ nhận, hiểu không chính xác về cùng một vấn đề.
Theo các tài liệu và biên bản bàn giao mặt bằng, đền bù giải tỏa mặt bằng, khu vực mỏ đất để thực hiện dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả do Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch thực hiện không phải là rừng phòng hộ. Đây là khu rìa ngoài của vùng quy hoạch rừng đặc dụng Đèo Cả, sát quốc lộ 1 (rừng nghèo, chỉ có cây gai, cây bụi; trong báo cáo ĐTM và biên bản bàn giao mặt bằng đã nêu rõ).
Khu vực này trước đó đã được giao khoán trồng-quản lý- khai thác cho 11 hộ dân và khi triển khai dự án, chính các hộ dân này tự phát quang, thu hoạch cây trồng và bàn giao đất trống cho cho Ban chỉ đạo GPMB huyện Đông Hòa. Kết luận của TTCP có nêu việc này. Do đó, chúng tôi khẳng định là Công ty không “phá rừng”.
* Vậy vì sao lại có thể dẫn tới sự hiểu là doanh nghiệp đã “phá rừng phòng hộ” thưa ông?
- Sở dĩ dẫn đến những thông tin như vừa qua là do một số tồn tại trong quá trình triển khai dự án. Do yêu cầu gấp rút về tiến độ triển khai dự án hầm Đèo Cả, chúng tôi đã triển khai rất quyết tâm để cung ứng đủ và kịp thời vật liệu thi công, giúp hoàn thành và đưa dự án vào vận hành sử dụng sớm hơn nhiều tháng. Điều này không chỉ giúp giảm chi được nhiều nghìn tỷ đồng vốn ngân sách, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, mà còn đem lại nhiều lợi ích to lớn, lâu dài đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Về mặt khách quan, chúng tôi đã thực hiện các nghĩa vụ để đáp ứng yêu cầu về thủ tục để chuyển mục đích sử dụng rừng, tuy nhiên việc thực hiện các thủ tục này thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương.
Dự án khai thác đất phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã trải qua một thời gian dài (gần 6 năm), đến nay đã đóng cửa mỏ. Trong suốt thời gian thực hiện, do có nhiều thay đổi về nhân sự quản lý, thay đổi các quy định, thủ tục… nên chưa có sự cập nhật, nắm bắt kịp thời để thực hiện nên phát sinh dẫn đến một số vấn đề khác như chúng tôi đã giải trình với TTCP và đoàn kiểm tra liên ngành và đã được chấp thuận tại các biên bản làm việc.
* Thanh tra Chính phủ có nêu yêu cầu phục hồi môi trường và trồng rừng ngay tại khu vực mỏ đất, việc này đã làm tới đâu, thưa ông?
- Trong quá trình cơ quan thanh tra làm việc, Công ty đã chủ động đề nghị TTCP, UBND tỉnh Phú Yên giao chúng tôi thực hiện việc hoàn nguyên để trồng lại rừng tại khu vực mỏ đã khai thác dù doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ (đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã hoàn thành hết nghĩa vụ).
Hiện nay, chúng tôi đang tích cực hỗ trợ, phối hợp với địa phương thực hiện việc hoàn thiện mặt bằng (đổ đất màu, đất mùn, phân bón…) để nhanh chóng triển khai việc tái tạo rừng. Công ty đã ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên để trồng cây Sao đen trên toàn diện tích 16ha của mỏ đất.
Một lần nữa, tôi muốn khẳng định Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch không phá rừng tại dự án mỏ khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Thông qua khẳng định này, chúng tôi muốn phản ánh đầy đủ thông tin hơn, nhằm tránh những đánh giá, nhìn nhận thiếu khách quan, dễ gây thiệt hại ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, đồng thời làm giảm ý nghĩa quan trọng của dự án Hầm đường bộ Đèo Cả.
* Xin cảm ơn ông!
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh vừa ký ban hành Báo cáo kết quả kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án khai thác khoáng sản đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả của Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch. Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Dự án nói trên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, đưa công trình vào khai thác sớm 4 tháng so với tiến độ đề ra giúp giảm ách tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Yên nói riêng và cả khu vực nói chung.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, việc xác định, giới thiệu địa điểm đầu tư và quá trình lập, thẩm định phê duyệt, triển khai thực hiện dự án đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm. Cụ thể, khu vực bị khai thác ở đèo Cả thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên với diện tích 16 ha thuộc quy hoạch đất rừng đặc dụng do Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả quản lý.
Việc khai thác này lại được sự cho phép của tỉnh Phú Yên, từ đề xuất, tham mưu của các sở ngành chức năng tỉnh này. Đơn cử, dù đây là vùng quy hoạch đất rừng đặc dụng, có chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên vẫn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu để bổ sung vị trí mỏ đất này vào quy hoạch khoáng sản.
Ngoài ra, trách nhiệm chính thuộc về UBND tỉnh Phú Yên khi cho phép Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch vừa khai thác, vừa hoàn tất thủ tục với diện tích 2 ha khi chua có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, mục đích sử dụng rừng là vi phạm các quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và Luật Khoáng sản.
Việc UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận phương án cho Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch được nộp tiền trồng rừng thay thế, không phải trồng cây Sao đen trên diện tích khai thác là không đúng với Báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án Cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt và hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp.
Quá trình khai thác, Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch không thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu trả lại mặt bằng đến đó; không giữ lại phần đất bóc tầng phủ, khai thác quá độ sâu theo quy định, khai thác vượt trữ lượng, sai so với Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án Cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt; không lập, quản lý, lưu trữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác từ khi bắt đầu xây dựng cơ bản; không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê, báo cáo trữ lượng theo quy định; không lập hồ sơ thiết kế mỏ theo quy định, khai thác vượt trữ lượng cho phép là vi phạm quy định tại Luật Khoáng sản.
Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch khẩn trương thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường và trồng rừng ngay tại khu vực khai thác mỏ đất 16 ha theo đúng quy định.
Trần Phương
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội