Lắp lưới bảo hộ chung cư: Cách nào cho an toàn?

Thứ sáu, 12/03/2021, 09:17 AM

Gần đây, cộng đồng cư dân rất tích cực mua bán, lắp đặt lưới tại các dự án chung cư, nhằm bảo vệ con trẻ, nhưng chuyên gia khuyến cáo rằng như thế chưa đủ an toàn.

Chị Thu Hồng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đặt câu hỏi: "Sau nhiều vụ tai nạn trẻ em rơi từ tầng cao chung cư xuống, vợ chồng tôi quyết định lắp lưới bảo hộ chung cư để đảm bảo an toàn cho con nhỏ. Nhưng tôi vẫn băn khoăn như thế đã đủ độ an toàn chưa"?

Theo các chuyên gia bất động sản của Savills, việc lắp lưới bảo hộ phải đúng quy cách mới có thể đảm bảo an toàn cho nhà chung cư.

luoi-2-06493982

Bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội, phân tích các quy định của Nhà nước liên quan tới an toàn chung cư cao tầng được áp dụng ngay từ khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành dự án. 

Vấn đề về an toàn liên quan trực tiếp tới hoạt động quản lý vận hành bất động sản, khi lắp lưới an toàn, người sử dụng chung cư cần chú ý tới một số vấn đề dưới đây:

Ở góc độ chủ nhà và cư dân, lưới an toàn nếu có chất liệu quá cứng hoặc quá chắc chắn sẽ gây khó khăn trong trường hợp giải cứu khi có hỏa hoạn và sự cố. Về chức năng, ban công, cửa sổ ngoài tác dụng giúp lấy ánh sáng và lấy gió, còn là nơi thoát hiểm, là đường tiếp cận trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tài liệu chuyên dụng về an toàn và phòng chống cháy nổ dành cho cư dân tại các dự án do Savills Việt Nam quản lý đã quy định rõ về việc sử dụng ban công như là nơi để được ứng cứu từ bên ngoài nếu không còn cách nào khác để thoát khỏi hỏa hoạn, sự cố. Các chủ nhà khi có con nhỏ, đặc biệt dưới 5 tuổi, nên lắp đặt thêm lưới an toàn trên ban công với cân nhắc thận trọng về chất liệu lưới.

Lưới có thể là dạng dây kim loại mềm, dây cáp và có khả năng chịu lực tốt. Mỗi gia đình cũng nên có dụng cụ để có thể cắt phá phần dây lưới trong trường hợp có sự cố cần thoát nạn. Đặc biệt, không nên sử dụng giải pháp bảo vệ bằng các vật liệu như khung sắt, khung inox vì khi có sự cố cháy nổ hoặc tình huống cần thoát nạn xảy ra, việc cắt phá những khung quá kiên cố này có thể không thể thực hiện được; hoặc nếu có công cụ thì sẽ mất rất nhiều thời gian cắt phá. Khi sự cố xảy ra, thời gian là vàng bạc, việc thoát nạn và cứu hộ thậm chí phải tính bằng giây.

Các gia đình có trẻ nhỏ không nên để bàn ghế, các thùng hộp ở ban công và lô gia, và hạn chế kê giường tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ. Đây là những khu vực trẻ dễ leo trèo và dễ xảy ra sự cố tai nạn. Việc lắp đặt hệ thống khóa chốt cửa sổ, cửa ban công cũng cần được cân nhắc. Hơn nữa, các gia đình có trẻ nhỏ cần có trách nhiệm giám sát trẻ liên tục, không để trẻ một mình gần các khu vực có thể xảy ra tình huống nguy hiểm này.  

Ngoài ra, hoạt động kiểm soát an toàn và phòng ngừa rủi ro tại các dự án nhà ở cần được các Ban quan lý dự án thực hiện nghiêm túc. Theo quy định hiện hành của Nhà nước, mỗi dự án nhà ở cần triển khai hoạt động kiểm soát an toàn và phòng ngừa rủi ro định kỳ 6 tháng một lần. Song, với sự phát triển hiện tại của lĩnh vực quản lý vận hành bất động sản tại Việt Nam, đang có rất ít các Ban quản lý và doanh nghiệp quản lý có bộ phận chuyên trách về kiểm soát an toàn và rủi ro.

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng QCXDVN 05:2008/BXD và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 04:2019/BXD về nhà chung cư, quy định rào, lan can, ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư không được nhỏ hơn 1,4 m. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, cần đảm bảo yêu cầu khe hở của lan can không đút lọt quả cầu đường kính 100mm và lan can không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua.

  CHÂU ANH

Theo vtc