Lao động “chui” ở nước ngoài: Đừng đánh cược số phận
Nhiều lao động nghèo nhẹ dạ cả tin đã đánh cược số phận của mình làm khách du lịch để rồi bỏ trốn tìm kiếm việc làm trên đất khách. Họ không nghĩ rằng mình đã sai lầm với kết cục “tiền mất, tật mang”.
Truyền thông Đài Loan tối 25/12/2018 loan tin 152 trong tổng số 153 khách du lịch Việt Nam mất tích sau khi đến hòn đảo. Những người này nhập cảnh tại sân bay Cao Hùng với hành trình được Công ty lữ hành International Holidays Trading Travel của Việt Nam sắp xếp. Sau khi vào cuộc điều tra, chính quyền Đài Loan cho biết những du khách này khai rằng họ đến Đài Loan để tìm kiếm cơ hội việc làm và đã có sự chuẩn bị từ trước.
Mua tour cao để... trốn
Taiwan News cho biết cơ quan chức năng ở Đài Loan đã thẩm vấn nhiều người trong tổng số 148 khách biến mất khi đặt chân lên xứ Đài vào cuối tháng 12 vừa qua. Theo đó, họ đều thừa nhận mục đích tới Đài Loan là để tìm kiếm việc làm và đã chi 20.000 đến 70.000 Đài tệ (tương đương khoảng 15 đến 52 triệu đồng) để mua tour đi du lịch. Đây là mức giá cao bất thường, gấp 5 lần giá tour phổ biến khi sang Đài Loan du lịch.
Một nhân viên điều tra nói với Taiwan News rằng nhiều người trong số này nhìn nhận mọi việc không thuận lợi như họ dự tính, họ không dễ để bắt đầu đi làm ngay. Vì thế có người đã lập tức mua vé máy bay trở về Việt Nam ngay khi tới sân bay Đài Loan, có người tự động tới trình diện, có người tìm cách trốn tránh. Tính đến ngày 31/12/2018, đã có 20 người được giới chức Đài Loan tìm thấy và 128 du khách còn "mất tích". Chính quyền Đài Loan kêu gọi những du khách Việt Nam vẫn còn "mất tích" trình diện cảnh sát, đồng thời cam kết đảm bảo nhân quyền của họ.
"Việc nhóm du khách bỏ trốn tại Đài Loan đã gây nên những tổn thất lớn cho mối quan hệ lao động giữa Việt Nam và Đài Loan. Hành động này đã tự hạ thấp uy tín của lao động người Việt hiện đang lao động hợp pháp tại nhiều nước trên thế giới. Họ không biết rằng pháp luật tại các nước mà họ muốn đến đầy nghiêm trị những hành vi bất hợp pháp và cuối cùng họ sẽ đối mặt với việc bị phạt tiền, phạt tù và trục xuất về nước", một lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại TP.HCM bức xúc.
Tiếng nói "người trong cuộc"
Đoàn người nhập cảnh vào Đài Loan bằng visa du lịch rồi bỏ trốn gần như nguyên cả đoàn gây chấn động cả Việt Nam lẫn Đài Loan. Chính quyền Đài Loan cho biết sự việc này là chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên ở một thị trường khác, nơi lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều tới mức chính phủ nước này phải tạm ngưng chính sách tiếp nhận lao động Việt Nam mà họ đã ký và thực hiện trong nhiều năm, đó là Hàn Quốc.
Gần đây, với sự vào cuộc và nỗ lực của hai cơ quan về lao động việc làm của hai nước, tình hình đã ổn hơn nhưng lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn còn rất cao. Ngoài số lao động có hợp động sang Hàn Quốc làm việc xong bỏ trốn ra ngoài làm việc thì một lực lượng lao động đến Hàn Quốc làm việc bằng con đường du lịch cũng rất lớn.
Anh Phan Thanh T. (quê Quảng Bình) là một trong 12 người có chuyến du lịch sang Hàn Quốc vào tháng 8 năm 2013. Anh T. cho biết sau các cuộc nói chuyện với những người thân đang làm việc ở Hàn Quốc, anh đã rủ thêm bạn bè, anh em chọn giải pháp đặt tour du lịch Hàn Quốc với chi phí mỗi người 48 triệu đồng cho tour 5 ngày 4 đêm. "Thời điểm đó ở quê tôi phải bỏ 200 đến 250 triệu mới có thể sang Hàn làm việc mà xin visa rất nhiêu khê, tỉ lệ rớt cũng cao nên chúng tôi chọn giải pháp đó. Dù biết làm vậy là vi phạm pháp luật nước bạn nhưng chúng tôi quá nghèo, phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền đi ... du lịch", anh T. chia sẻ.
Theo thoả thuận từ trước, tuỳ từng người với sức khoẻ, độ tuổi mà những người thân bên Hàn sẽ bố trí đưa đón, bố trí chỗ ăn ở và xin việc làm. Ngay sau khi đặt chân đến Hàn Quốc, nhóm 12 người của anh T. âm thầm tách đoàn và nhanh chóng di chuyển về nhiều nơi khác nhau trên nước Hàn và ở lại làm bất hợp pháp cho đến nay. Theo anh T., nhiều năm làm việc bất hợp pháp, anh cũng chẳng dành dụm được nhiều bởi mức lương thấp, không có chế độ bảo vệ hay bảo hiểm gì nên ai bị bệnh là coi như trắng tay. "Cuộc sống tạm bợ lắm chứ không như người ta tưởng. Lại sống trong cảnh bất an nên tinh thần cũng chẳng thoải mái gì. Chúng tôi đang cố gắng về sớm để hưởng chính sách khoan hồng của nước bạn", anh T. chia sẻ.
Đừng suy nghĩ nông cạn quá!
Đó là ý kiến chia sẻ của ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện kinh tế và công nghệ Đông Á. Theo ông Du, những lao động muốn "xuất ngoại" làm việc qua đường du lịch rồi bỏ trốn đã quá tin tưởng vào lời người quen mà không chịu tìm hiểu các kênh thông tin chính thống.
"Báo chí đã liên tục cảnh báo nhưng họ chẳng quan tâm để rồi tiền mất tật mang. Cứ nghĩ bỏ vài ba chục triệu sang bên đó rồi bỏ trốn kiếm việc làm vài tháng gỡ gạc là suy nghĩ sai lầm. Nước nào cũng có luật pháp nghiêm minh cả, làm gì có chuyện làm việc ở nước họ bất hợp pháp mà yên thân được, đó là chưa kể những tổn hại mà lao động hợp pháp gặp phải do những người bất hợp pháp gây nên", ông Du nói.
Bài và ảnh: Giang Nam
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội