Lãnh đạo Navibank hầu tòa vì hám lãi của Huyền Như

Thứ tư, 28/02/2018, 20:44 PM

Theo dự kiến, hôm nay (28-2), TAND TP.HCM mở phiên xử vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank). Dự kiến phiên xử diễn ra đến ngày 16-3.

10 bị cáo nguyên là cán bộ Navibank gồm: nguyên tổng giám đốc Lê Quang Trí; các nguyên phó tổng giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn và sáu người nguyên là trưởng các phòng, ban. Vụ án này là một phần của “đại án siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro, Ngân hàng VietinBank Chi nhánh TP.HCM.

Hai bị án Huyền Như và Võ Anh Tuấn cũng bị trích xuất tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng. Ngoài ra, 11 cá nhân liên quan khác cũng bị triệu tập.

Trước đó, tháng 1-2014, Huyền Như bị TAND TP.HCM tuyên án tù chung thân cho hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Một năm sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) đã tuyên hủy một phần bản án nêu trên để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huyền Như trong việc chiếm đoạt 1.285 tỉ đồng của một số công ty, cá nhân và ngân hàng. Bản án còn kiến nghị CQĐT làm rõ, xử lý trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong Ngân hàng Navibank đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng hưởng lãi suất vượt trần gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xử lý. Sau khi điều tra, 10 cán bộ Navibank nêu trên bị truy tố về tội cố ý làm trái.

Ngày 9-2, TAND TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm và vẫn đồng tình với truy tố là Huyền Như lừa đảo, không tham ô đối với năm công ty. Còn đối với thiệt hại 200 tỉ đồng tại Navibank được tách ra thành vụ án này.

Theo cáo trạng, Navibank bị mất tiền là do các lãnh đạo, cán bộ Navibank gửi tiền vào VietinBank vi phạm các quy định pháp luật, tạo điều kiện để Huyền Như chiếm đoạt. Cụ thể, từ tháng 4-2011, Trí với tư cách tổng giám đốc đã họp thống nhất chủ trương để các nhân viên Navibank đứng tên, gửi hơn 1.500 tỉ đồng vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và TP.HCM. Hội đồng tín dụng của Navibank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho 14 nhân viên số tiền hơn 1.500 tỉ đồng để các nhân viên này gửi vào VietinBank Nhà Bè lấy lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng 2,5%-8,5%/năm, gần 76 tỉ đồng.

 Sau đó VietinBank Nhà Bè quyết toán cho Navibank hơn 1.000 tỉ đồng, còn 500 tỉ đồng chưa đến hạn quyết toán được gửi vào VietinBank TP.HCM bằng 18 hợp đồng. Ngày 7-9-2011, Huyền Như đã tất toán 12 hợp đồng với tổng số tiền 300 tỉ đồng. Số tiền 200 tỉ đồng còn lại, qua điều tra cho thấy Huyền Như đã chiếm đoạt. Và tổng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng được Huyền Như trả là hơn 24,5 tỉ đồng. 

Trong quá trình xử lý vụ án này có nhiều đơn kiến nghị kêu oan của các bị can và luật sư. Có luật sư cho rằng bản án phúc thẩm vụ Huyền Như không hủy đối với phần 200 tỉ đồng của Navibank và không ra quyết định khởi tố vụ án đối với hành vi liên quan số tiền này… Như vậy việc khởi tố, truy tố các bị can vụ án này vi phạm nguyên tắc một hành vi chỉ được xét xử một lần.

CQĐT khẳng định hành vi Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỉ đồng của Navibank là phần nội dung liên quan đến bản án đã có hiệu lực. Còn hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho Navibank chưa được xử lý nên việc điều tra, xử lý các bị can về hành vi này là đúng quy định pháp luật.

HOÀNG YẾN

Theo PLO