Lang thang trên không gian mạng khiến trẻ dễ bị xâm hại
Năm nay, học sinh nghỉ hè sớm nhưng không tham gia các hoạt động cộng đồng do dịch COVID-19 mà chủ yếu giải trí trên không gian mạng bằng điện thoại thông minh. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm trẻ rất dễ bị bắt nạt, xâm hại, nghiện trò chơi điện tử…
Lên mạng nhiều, trẻ dễ gặp nguy hiểm
Đầu tháng 6/2020, chị L.T.D.M. (quận 8, TPHCM) kiểm tra điện thoại của con gái đang học lớp Tám thì phát hiện nhiều đoạn tin nhắn “nhạy cảm” giữa cháu với một thanh niên xa lạ. Khi chị gặng hỏi, cháu Q. (con chị M.) cho biết, đã kết bạn qua Facebook với một thanh niên tự xưng là sinh viên đại học cách đây hơn một tháng.
Sau một thời gian quen biết, hai bên đã xưng nhau là “vk”, “ck” (vợ, chồng). Không chỉ vậy, thanh niên trên nhiều lần gửi hình ảnh nhạy cảm qua tin nhắn cho cháu Q. và gạ gẫm cháu gửi lại hình ảnh tương tự. Rất may, đến lúc gia đình phát hiện, cháu Q. vẫn chưa gửi đi hình ảnh nào. “Thấy cháu nghỉ hè nhằm lúc dịch bệnh, không đi đâu được nên tôi mua cho cháu chiếc điện thoại giá hơn 3 triệu đồng để liên lạc với bạn bè cho đỡ buồn. Không ngờ, cháu chat với người lạ. May mà tôi phát hiện, ngăn chặn kịp” - chị M. âu lo.
Tháng 4/2021, nhiều người bàng hoàng về thông tin một nữ sinh lớp Năm ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị người lạ yêu cầu tự quay và gửi clip nhạy cảm để tham gia cuộc thi sắc đẹp, phần thưởng cho cuộc thi là trà sữa. Khi phát hiện con gái có dấu hiệu tâm lý bất thường, gia đình đã tìm hiểu và trình báo sự việc đến cơ quan công an.
Theo báo cáo “Thị trường ứng dụng di động 2021” của Appota, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó 64% thuê bao đã kết nối 3G và 4G; 70% dân số sử dụng internet, trong đó khoảng 95% sử dụng internet qua thiết bị di động. Năm vừa qua, dịch COVID-19 khiến việc đến trường của trẻ bị gián đoạn. Đây là thời gian trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với không gian mạng. Theo một giáo viên của Trường Phổ thông Nội trú IVS (TPHCM) - đơn vị chuyên “cai nghiện” game cho trẻ em - sau mỗi kỳ nghỉ dài, tình trạng trẻ nghiện game lại có dấu hiệu gia tăng do nhiều phụ huynh không giới hạn thời gian chơi điện thoại, máy tính của trẻ. Thậm chí, có phụ huynh còn chủ động “đẩy” con mình lên mạng để không bị chúng làm phiền. Có em chơi game suốt 8 giờ/ngày trong kỳ nghỉ hè nên khi vào năm học mới, thường trốn học chơi game.
Trong đại dịch COVID-19, trung bình mỗi ngày, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhận được 100 cuộc gọi liên quan tới trẻ em, trong đó có không ít trường hợp trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng. Theo các chuyên gia, hiện nay, rất nhiều em nhỏ có sở thích xem video trên YouTube, dễ bị tiếp nhận thụ động các thông tin xấu, độc hại. Hiện nay, trên YouTube, tràn ngập những thông tin dễ gây hại cho trẻ, như “15 cách tự tử tốt nhất”, “Làm thế nào để thắt cổ?”, “Cách chế thuốc nổ cực mạnh”… Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã ghi nhận những vụ trẻ tử vong do làm theo các thử thách hoặc bắt chước các video trên mạng.
Xây dựng nguyên tắc “chơi” mạng cho trẻ
Đại tá - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học - nhận định, lứa tuổi tiếp cận với internet trên điện thoại di động ngày một trẻ hóa. Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu, độc từ mạng. Không ít đối tượng tội phạm tiếp cận trẻ em trên không gian mạng, dụ dỗ, lôi kéo, đe dọa các cháu thực hiện các hành vi lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật.
“Trên thực tế, đã xảy ra trường hợp tội phạm dụ dỗ các em nhỏ gửi ảnh nóng qua mạng, sau đó dùng chính ảnh nóng này để đe dọa các em nhằm xâm hại tình dục hoặc thực hiện các hành vi xấu. Tội phạm trên không gian mạng ngày càng biến hóa tinh vi, khó nhận diện nên các phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, giám sát khi con mình tham gia môi trường mạng” - phó giáo sư Đỗ Cảnh Thìn cảnh báo.
Theo ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành - điều nguy hiểm của việc bắt nạt, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là không có người chứng kiến. Nếu trẻ bị bắt nạt ngoài đời, sẽ có người chứng kiến và can thiệp.
“Khi trẻ sử dụng mạng xã hội, bố mẹ thường không biết, không theo dõi. Khi trẻ bị sang chấn tâm lý do bị xâm hại trên mạng, các cháu thường không nói ra. Với tình trạng trẻ bị bắt nạt trên mạng, khi đã dồn nén quá lâu, các cháu sẽ tìm cách phản ứng lại một cách tiêu cực. Như chúng ta đã thấy, có nhiều trường hợp học sinh đánh nhau tập thể do mâu thuẫn từ trên mạng” - ông Đặng Lê Anh phân tích.
Theo ông Đặng Lê Anh, việc trẻ bị xâm hại, bắt nạt trên mạng là tất yếu, bởi internet là một không gian rộng lớn để giao tiếp hằng ngày. Thế nhưng, hiện chúng ta chỉ giáo dục văn hóa, đạo đức cho trẻ em trong môi trường thực mà quên giáo dục trẻ về cách sử dụng internet văn minh, cách ứng xử văn hóa trên môi trường mạng. Bất cứ ai tham gia môi trường mạng cũng có thể là nạn nhân của lạm dụng, quấy rối, xâm hại trên mạng. Nhưng, trẻ em là đối tượng mà khả năng đề kháng, kháng cự thấp hơn nên khả năng bị xâm hại cao hơn.
“Khi bố mẹ đi ra ngoài, sẽ dặn các cháu nhỏ không được mở cửa cho bất kỳ ai. Nhờ đó, lỡ có người xấu đến gõ cửa, các cháu cũng sẽ không mở. Còn ở trên môi trường mạng, chúng ta cũng nên xây dựng nguyên tắc, kiểu như: không bao giờ gửi hình ảnh cá nhân cho người lạ, không sử dụng internet quá 30 phút, không tự ý làm theo hướng dẫn trên mạng… Với trẻ em, các cháu có thể sẽ rất mau quên những điều này. Cách để các cháu nhớ lâu và hình thành phản xạ là yêu cầu các cháu viết ra những gì phụ huynh dạy rồi dán ở nơi dễ nhìn thấy”, ông Đặng Lê Anh khuyên.
Sơn Vinh
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội
-
Bão Toraji giật cấp 12 vào Biển Đông, trở thành bão số 8