Làn sóng tẩy chay Huawei lan rộng
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang mở rộng chiến dịch chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc
Danh sách công ty "nghỉ chơi" với Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) theo sau lệnh cấm của Mỹ đang ngày càng dài.
Mới nhất, Tập đoàn Công nghệ Panasonic (Nhật Bản) hôm 23-5 tuyên bố ngừng cung cấp linh kiện cho Huawei vì nỗi lo an ninh. Người phát ngôn của Panasonic không cho biết thông tin chi tiết mà chỉ nói rằng hoạt động kinh doanh giữa Panasonic và Huawei liên quan đến việc cung cấp "các linh kiện điện tử". Cùng ngày, Tập đoàn Công nghệ Toshiba (Nhật Bản) cho biết họ đã tạm ngừng quá trình chuyển hàng cho Huawei để kiểm tra xem liệu các sản phẩm của họ có vi phạm lệnh cấm của Mỹ hay không.
Trước đó 1 ngày, Công ty Thiết kế chip ARM Holdings (Anh) cũng tuyên bố ngừng làm ăn với Huawei theo lệnh cấm của Mỹ. Động thái này có thể gây ra tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với hoạt động trong tương lai của Huawei, đặc biệt là ở mảng điện thoại thông minh. "Mất nhà cung cấp ARM sẽ là một tổn thất lớn của Huawei vì điều này có thể làm tê liệt quá trình sản xuất những con chip quan trọng của Huawei" - chuyên gia Dave Burstein từ Công ty tư vấn STL Partners (Anh) nhận định với Reuters.
Giữa lúc thương chiến Mỹ - Trung leo thang căng thẳng, Washington còn tìm cách gây sức ép lên doanh nghiệp ở các nước đồng minh, buộc họ phải tuân theo lệnh cấm Huawei vì lo ngại sản phẩm của tập đoàn này có thể được Bắc Kinh sử dụng để thu thập thông tin. Tại Anh, Tập đoàn Viễn thông British Telecom cho biết sẽ giảm dần việc sử dụng thiết bị Huawei trong các thành phần quan trọng và nhạy cảm thuộc hạ tầng mạng. Trong khi đó, theo báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc), Mỹ đang vận động để Hàn Quốc tẩy chay các sản phẩm của Huawei.
Sau khi Google tuyên bố hạn chế làm ăn với Huawei, hoạt động kinh doanh của công ty Trung Quốc này bắt đầu chịu tác động tiêu cực ở châu Á. Theo Reuters, ngày càng có nhiều khách hàng ở Singapore và Philippines thanh lý điện thoại Huawei với giá rẻ vì lo sợ điện thoại của họ không được cập nhật hệ điều hành Android từ cuối tháng 8 tới. Dù vậy, phần lớn cửa hàng bán điện thoại đều từ chối mua lại.
Không dừng lại ở Huawei, chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là đang mở rộng chiến dịch chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc, với mục tiêu tiếp theo là các "ông lớn" hoạt động lĩnh vực công nghệ giám sát. Theo hãng tin Bloomberg, Washington đang cân nhắc đưa 5 công ty sản xuất thiết bị giám sát của đại lục vào "danh sách đen", trong đó có Hikvision và Dahua, vì lo ngại sản phẩm của các công ty này có thể được Bắc Kinh sử dụng làm công cụ giám sát nước ngoài.
Người dùng, nhà bán lẻ ở Việt Nam... "lên ruột"
Những thông tin bất lợi liên tiếp của Huawei những ngày qua khiến người dùng, nhà bán lẻ... thấp thỏm lo âu về số phận của các sản phẩm điện thoại, máy tính xách tay của Huawei. Một số nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam như FPT Shop, Thế Giới Di Động... đều cho biết vẫn đang ghi nhận các phản hồi của khách hàng và làm việc chặt chẽ với Huawei để bảo đảm quyền và những lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Tuy vậy, không ít nhà bán lẻ thừa nhận họ đang bối rối, chưa biết phải làm sao khi liên tiếp các thông tin bất lợi liên quan đến Huawei diễn ra.
Đại diện một nhà bán lẻ di động quy mô khá lớn tại TP HCM ngày 23-5 tiết lộ với phóng viên Báo Người Lao Động rằng số lượng điện thoại Huawei bán ra trong vài ngày qua đã giảm một nửa hoặc 1/3 so với trước lúc có các thông tin liên quan đến Huawei. Theo đại diện nhà bán lẻ này, nếu Huawei vẫn im lặng, hay không có thông tin bảo đảm chắc chắn từ Huawei thì khả năng trong những ngày tới đây, doanh số của các sản phẩm của Huawei tại các nhà bán lẻ sẽ còn tiếp tục giảm nữa.
Về phần người dùng thì tình hình còn "rối" hơn nữa khi các thông tin về Huawei liên tiếp được đăng tải. Theo đó, người dùng đang lo lắng về số phận của các sản phẩm điện thoại Huawei đã mua, trong khi số khác thì đang cân nhắc dừng mua các điện thoại Huawei mới. Trong khi đó, các trang mua bán điện thoại trên mạng chứng kiến tình trạng nhiều người dùng bắt đầu đổ xô bán lại thiết bị của Huawei bất chấp công ty này cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng toàn cầu và Việt Nam.
Chánh Trung
Cao Lực
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam