Lạm dụng phân bón vô cơ: Nông nghiệp Việt đang “chết dần, chết mòn”
Một nền sản xuất mà lạm dụng phân bón vô cơ như hiện nay không thể cho năng suất lao động tối ưu, không thể tạo ra được các sản phẩm nông sản sạch và không thể mang lại một môi trường sinh thái đảm bảo.
Mất cân đối trầm trọng
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có khoảng 735 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động với tổng công suất 29,5 triệu tấn. Nếu so sánh với nhu cầu nhu cầu sử dụng phân bón hiện nay là khoảng 11,5 triệu tấn phân bón các loại cho thấy năng lực sản xuất của các cơ sở này đã dư thừa tới gấp 3 lần nhu cầu sử dụng.
Thực trạng sản xuất phân bón hiện nay được đánh giá là mất cân đối nghiêm trọng. Số lượng phân bón được các nhà máy hiện nay sản xuất ra cung cấp cho người sử dụng thì có tới 10,5 triệu tấn là phân bón vô cơ chiếm tới 90,8%, trong khi đó phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh chỉ có khoảng 1 triệu tấn chiếm chưa đầy 9,2%.
Không chỉ số lượng nhà máy sản xuất phân bón hùng hậu như nói trên mà các sản phẩm phân bón hiện nay cũng như một “mê hồn trận” với khoảng 20.000 loại sản phẩm phân bón đang được lưu thông, bày bán tràn lan trên thị trường.
Không chỉ dưa thừa phân bón vô cơ, “bội thưc” với sản phẩm phân bón, tìm hiểu của PLVN còn cho thấy, hiện cũng đang có khoảng 200 chỉ tiêu chất lượng bao gồm cả vi sinh và hóa lý đã được công bố trong các sản phẩm phân bón nhưng không hề có phương pháp thử được phê duyệt. Loạn chỉ tiêu chất lương cũng đang là “vấn đề” gây áp lực rất lớn đối với công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phân bón hiện nay.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cũng xác nhận, trước xu thế và nhu cầu về sản xuất sạch, bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, công tác quản lý vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón đứng trước rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, cùng với việc ban hành Nghị định 108/2017/NĐ-CP, phương thức quản lý phân bón được thay đổi căn bản, chuyển từ quản lý thuần túy bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn (trong điều kiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu trầm trọng) sang quản lý bằng danh mục.
Thêm vào đó, đầu mối quản phân bón được thu về một mối, cũng đã góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả quản lý của loại hình vật tư nông nghiệp này. Ông Trung cho biết, đến năm 2019, mục tiêu mà Bộ NN&PTNT hướng tới là sẽ hoàn thiện cơ bản hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn về phương thủ để kiểm tra chất lượng phân bón.
Thúc đẩy nhanh sản xuất phân bón hữu cơ
Phát biểu tại lễ khởi công nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) sáng 19/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức, nút thắt rất lớn, đó là trên bình diện tổng thể, sản xuất nhỏ lẻ manh mún vẫn là chủ công dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân thấp so với khu vực khác.
Khi sản xuất nhỏ lẻ thì khâu quản trị đảm bảo nông nghiệp sạch, có quản trị hiện đại sẽ rất khó khăn. Để thực hiện được định hướng cơ cấu lại ngành, Bộ trưởng Cường cho rằng có hai khâu đầu vào rất quan trọng trong nông nghiệp phải tính toán lại, đó là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với phân bón, Bộ trưởng Cường khẳng định sẽ cần phải thúc đẩy nhanh sản xuất phân bón hữu cơ để hướng tới nền nông nghiệp sạch. Trong tính toán lại, định hướng tới đây ngành Nông nghiệp phải tăng nhanh việc sản xuất, tiêu dùng, sử dụng phân bón hữu cơ và giảm nhanh phân bón vô cơ trên cơ sở quản trị, canh tác khoa học phù hợp để có năng suất cây trồng tốt, chất lượng cao và góp phần phục hồi nhanh hệ sinh thái môi trường.
“Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó 92% là phân vô cơ. Một nền sản xuất như vậy không thể cho năng suất lao động tối ưu, không thể cho nông sản sạch, không thể cho nông sản cực tốt được và quan trọng hơn không thể cho một môi trường sinh thái tốt cộng với hệ sinh thái đa dạng”- “tư lệnh” ngành Nông nghiệp nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp, hiện nay Việt Nam có khoảng 150 doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ với công suất khoảng 1,3 triệu tấn. Để phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp sạch ở Việt Nam hội nhập một cách chủ động thành công, mục tiêu của Bộ NN&PTNT, đến năm 2021, Bộ này sẽ tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%.
Phi Hùng
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội