Lãi suất tiết kiệm cuối năm dự báo vẫn khó giảm

Thứ hai, 18/11/2019, 14:46 PM

Mặc dù lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng đang được điều chỉnh giảm nhẹ nhưng theo các chuyên gia thì về cuối năm xu hướng tăng lãi suất vẫn chiếm ưu thế.

VPBank bất ngờ giảm lãi suất tiết kiệm cuối năm.

VPBank bất ngờ giảm lãi suất tiết kiệm cuối năm.

Khác với những năm trước, lãi suất tiết kiệm dịp cuối năm luôn theo chiều hướng tăng thì năm nay một số ngân hàng lại bất ngờ giảm lãi suất. Tại VPBank, biểu lãi suất áp dụng từ 8/11 cũng thay đổi một số kỳ hạn. Theo đó, khách gửi tại quầy 6 tháng, lãi suất giảm 0,1% xuống 7,2-7,5%/năm. Tương tự, khi gửi online, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,5%/năm, thấp hơn so với mức 7,6%/năm trước đó.

Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), trong biểu lãi suất huy động mới vừa công bố, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15-18 tháng tại quầy giảm xuống 8,1%/năm từ mức 8,3%/năm trước đó; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn 7,7%/năm.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) thường là ngân hàng “nhiệt tình” trong cuộc đua tăng lãi suất thì trong tháng 11 này, đơn vị này bất ngờ giảm lãi suất so với biểu lãi suất cũ từ 0,1-0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 7 tháng tại Viet Capital Bank giảm từ 7,8%/năm xuống chỉ còn 7,6%/năm; các kỳ hạn khác cũng giảm 0,1%/năm. Mức lãi suất cao nhất đang áp dụng tại Bản Việt là 8,5%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 24-60 tháng.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại khác tiếp tục nhích nhẹ lãi suất để tăng cường huy động vốn, chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Bao Viet Bank) đang là một trong những ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất Việt Nam. Hiện tại, mức lãi cao nhất tại ngân hàng này được đẩy lên tới 9%/năm.

Tháng 10, lãi suất huy động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng ở nhiều kỳ hạn dành cho sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền. Theo đó, lãi suất tối đa SHB áp dụng là 8,1% cho kỳ hạn 6 tháng, 8,2% kỳ hạn 9 tháng; 8,3% kỳ hạn 12 tháng và 8,4% cho kỳ hạn 13 tháng (số tiền gửi dưới 500 tỷ đồng).

Mức lãi suất tiết kiệm cao tiếp theo là 8,9%/năm, được áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 16 tháng tại Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) áp dụng lãi suất 8,6% cho khách hàng gửi trên 100 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng và cam kết không rút trước hạn.

Trước đó, một cuộc đua lãi suất huy động đã xuất hiện trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ. Lãi suất cho các kỳ hạn dài trên 6 tháng được đẩy lên mức cao nhất 8,5-8,7%/năm.

Theo báo cáo của SSI Research, trong ngắn hạn từ giờ đến cuối năm, lãi suất trên thị trường 1 vẫn khó giảm do tính mùa vụ. Dù một số nhà băng công bố điều chỉnh giảm nhẹ 0,1- 0,2% trên biểu lãi suất nhưng mức lãi suất thực tế không có nhiều thay đổi và mức giãn cách giữa các nhóm ngân hàng vẫn rất rộng.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác mức lãi suất vẫn đang cao kỷ lục. Theo các chuyên gia thì lãi suất cuối năm khó giảm.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác mức lãi suất vẫn đang cao kỷ lục. Theo các chuyên gia thì lãi suất cuối năm khó giảm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng đánh giá: “Mặt bằng lãi suất khó có thể giảm vì ngoài các ngân hàng lớn thì các ngân hàng còn lại vẫn cần nguồn vốn, nhất là thời điểm cuối năm. Do đó, lãi suất tiết kiệm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhiều khả năng sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới”.

Cũng theo TS. Hiếu thì một số ngân hàng có nợ xấu cao phải tăng huy động vốn để nuôi nợ xấu, lấy vốn huy động mới trả vốn cũ. Các nhà băng chưa đạt tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 cũng cần huy động vốn, đặc biệt là vốn dài hạn để đạt tỷ lệ an toàn vốn.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc phải chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số CAR theo Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đua lãi suất trên.

BVSC cũng dự báo, khả năng trước thềm năm 2020, khi hệ số CAR theo Basel II được chính thức áp dụng cho toàn hệ thống ngân hàng và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tiếp tục được điều chỉnh giảm, sẽ vẫn có những đợt tăng lãi suất huy động mang tính cục bộ, chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng có quy mô vốn vừa và nhỏ.

Mới đây, phát biểu tại Quốc Hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2020, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên. Điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn.

VÂN THƯ

Theo NTD