Lãi suất giảm, người dân vẫn ưu tiên gửi tiền vào ngân hàng

Thứ ba, 10/10/2023, 08:44 AM

Bất chấp lãi suất giảm sâu, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều người dân. Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt mức cao kỷ lục mới.

Bất chấp lãi suất giảm, người dân vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng. Ảnh minh hoạ: Bảo Chương.

Bất chấp lãi suất giảm, người dân vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng. Ảnh minh hoạ: Bảo Chương.

Lợi nhuận thấp, an toàn cao

Mặc dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu, nhưng nhiều người dân vẫn lựa chọn gửi tiền ngân hàng vì tính an toàn và ổn định. Hai vợ chồng chị Lê Thị Nga (Phủ Lý, Hà Nam) đều là công nhân, không có kế hoạch "làm ăn lớn" nên từ khi kết hôn vẫn luôn đều đặn gửi tiết kiệm ngân hàng.

"Vợ chồng tôi không có nhiều kiến thức về kinh tế nên không mạo hiểm lựa chọn các kênh đầu tư "hot" hiện nay. Mặc dù gửi tiết kiệm ngân hàng có lãi suất thấp, thu về lợi nhuận không cao nhưng có tính ổn định, rủi ro thấp" - chị Nga nói.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết sau 4 lần giảm liên tiếp lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân phát sinh mới ngoài thị trường tính đến cuối tháng 6.2023 đã giảm 1%/năm so với cuối năm 2022.

Theo khảo sát của PV Báo Lao Động lãi suất tiết kiệm 8%/năm vắng bóng trong bảng niêm yết tiền gửi của hệ thống ngân hàng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng hiện đang dao động quanh mức 4,3 - 6,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng dao động trong khoảng 4,7 - 6,5%/năm...

Một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất khủng để cạnh tranh nhưng khách hàng cần đáp ứng những điều kiện nhất định. Như PVcomBank nâng mức lãi suất lên tới 11%/năm cho kỳ hạn 12 - 13 tháng, áp dụng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng.

Hay HDBank cũng tăng lãi suất lên mức 8,9%/năm với kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho khách hàng duy trì số dư tối thiểu 300 tỉ đồng. Mặc dù thấp hơn PVcomBank nhưng vẫn là mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường. Điều này giúp HDBank thu hút nguồn tiền gửi, đặc biệt từ các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vốn nhàn rỗi trung và dài hạn.

Tiền vào dồi dào, tiền ra còn chậm

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - nhận định, thời gian vừa qua, việc sử dụng dòng tiền trong hoạt động đầu tư ở nhiều lĩnh vực đều gặp khó khăn.

Đơn cử thị trường bất động sản hiện đang trầm lắng và trong quá trình cải tổ cơ cấu. Hoạt động trên thị trường chứng khoán cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù từ đầu năm đến nay, chỉ số Vn-Index đã tăng tương đối mạnh nhưng không ổn định: Lúc tăng, lúc giảm sâu. Các nhà đầu tư gặp khó khăn khi lựa chọn doanh nghiệp đầu tư. Giá vàng cũng đang "nhảy múa" không ổn định khi tăng mạnh nhưng cũng rớt giá nhanh.

"Để đảm bảo tài sản sinh lời đều đặn với mức độ rủi ro thấp nhất nên người dân vẫn tiếp tục gửi lượng tiền nhàn rỗi vào tài khoản tiền gửi ngân hàng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lượng tiền gửi ngân hàng tăng vọt dù lãi suất huy động đã giảm tương đối sâu" - ông Thịnh nhận định.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc xem xét để đầu tư vào các hoạt động trên thị trường mở cũng như việc phát hành các hình thức để sử dụng vốn linh hoạt trong hệ thống ngân hàng thương mại cần được kích hoạt. Từ đó, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn được nâng cao trong bối cảnh cho doanh nghiệp vay vốn vẫn khó khăn.

Theo laodong.vn