Kon Tum: Nhiều giáo viên xin nghỉ việc, "gieo chữ" vùng cao càng khó khăn

Thứ năm, 03/03/2022, 11:06 AM

Nhiều giáo viên vùng cao viết đơn xin nghỉ việc khiến cho sự nghiệp "trồng người" ở vùng cao đã khó lại càng khó hơn.

Theo đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 12 đơn xin nghỉ việc của giáo viên. Sau khi xem xét, cơ quan chức năng đã đồng ý cho 11 giáo viên thôi việc theo nguyện vọng đơn. Trong đó, có 9 người xin nghỉ vào năm 2021 và 3 người xin nghỉ vào năm 2020. 

Khi

Khi "cán đích" nông thôn mới, nhiều giáo viên vùng cao xin nghỉ việc khiến cho việc "gieo chữ" càng khó khăn (Ảnh T.T).

Việc thiếu giáo viên đứng lớp đang gây khó khăn cho nhiều huyện, xã vùng cao; công tác dạy và học bị ảnh hưởng nhiều. Để khắc phục tình trạng trên, huyện đã triển khai việc hợp đồng giáo viên mới thay thế các giáo viên xin nghỉ.

Các giáo viên xin nghỉ việc đa số là các địa phương khó khăn như ở xã Pờ Ê, xã Hiếu. Đây cũng là 2 địa phương trong nhiều nơi vừa mới được UBND tỉnh Kon Tum công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Đại diện phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kon Plông cho biết, trong đơn thư các giáo viên nêu ra nhiều lý do xin nghỉ việc như lập gia đình ở xa, nhà có bố mẹ già, con nhỏ phải chăm sóc, nuôi dưỡng. Số giáo viên khác có lý do sức khỏe không đảm bảo, trong khi địa bàn miền núi, nhiều năm trời cống hiến, đi dạy học xa nhà.

Qua rà soát, sau khi "cán đích" nông thôn mới thì tiền lương của các giáo viên cũng bị giảm khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/tháng xuống còn 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Đa phần các giáo viên dạy ở vùng cao này đều ở các tỉnh hoặc huyện rất xa. Họ đã lên "gieo chữ" ở xã Pờ Ê, xã Hiếu từ 2014 đến nay. Từ Trung tâm thị trấn Măng Đen lên các xã vùng cao, các giáo viên phải vượt khoảng gần 50 km. Đường đi gập ghềnh, hiểm trở nên việc thu hút các giáo viên trẻ rất khó khăn.

Cô Ngô Thị Thanh Nga (sinh năm 1989, quê Thừa Thiên Huế) là giáo viên trường Tiểu học Pờ Ê. Ra trường, cô đã khăn gói lên với rừng núi xã Pờ Ê (huyện Kon Plông, Kon Tum) để giảng dạy. Với tình yêu học trò, cô đã gắn bó 11 năm ở vùng rừng núi xã Pờ Ê. Vì hoàn cảnh gia đình, cô Nga buộc lòng phải viết đơn xin thôi việc để về quê. Cô Nga muốn về Huế để có thêm điều kiện chăm con và tìm một công việc ổn định trước khi tuổi cao.

Nhiều học sinh cũng gián đoạn việc học vì không có điều kiện đến trường khi

Nhiều học sinh cũng gián đoạn việc học vì không có điều kiện đến trường khi "cán đích" nông thôn mới (Ảnh: T.T).

Tương tự, cô Y Nhi (sinh năm 1991, trú TP Kon Tum) tâm sự, dù đạt chuẩn Nông thôn mới nhưng đời sống người dân xã Pờ Ê vẫn còn nhiều khó khăn. Người dân quanh năm bám vào cây mì (sắn) làm thu nhập chính.

"Tôi có con nhỏ mới 2 tuổi, khi đến lớp phải mang con theo, cho bé chơi đùa quanh lớp học. Hai mẹ con được nhà trường bố trí cho một phòng ở sinh hoạt gần điểm trường của thôn. Cuộc sống giữa vùng sâu, vùng xa này khó khăn cho 2 mẹ con nên tôi đã xin nghỉ để về tìm công việc khác ổn định, gần nhà.", cô Nhi chia sẻ. 

Mỗi giáo viên Mầm non ở Pờ Ê phụ trách chừng 10-15 em học sinh, "cắm bản" riêng biệt một thôn. Giáo viên luôn cống hiến hết mình cho vùng cao và thường xuyên xuống thôn, làng để vận động học sinh. Tuy nhiên, đồng lương không đủ trang trải cuộc sống và xăng xe đi lại.

Cô Nhi nói: "Dù yêu mến, thương con trẻ vùng sâu vùng xa khó nhọc nhưng vì điều kiện gia đình em phải viết đơn xin nghỉ việc. Đó là quyết định trăn trở, nhiều tâm tư sau bao đêm suy nghĩ. Hiện em đang chờ thi tuyển ở đơn vị khác, gần với gia đình".

Huyện Kon Plông đang tiến hành hợp đồng để bổ sung nhân lực khi nhiều giáo viên xin nghỉ việc (Ảnh: T.T)

Huyện Kon Plông đang tiến hành hợp đồng để bổ sung nhân lực khi nhiều giáo viên xin nghỉ việc (Ảnh: T.T)

Thầy Lê Tấn Trường Anh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Pờ Ê cho biết, trong năm 2 năm học liên tiếp, nhà trường có tổng 6 giáo viên xin nghỉ việc. Đa số các giáo viên là nữ và có hoàn cảnh khó khăn, gia đình con nhỏ và chồng thường đi làm xa. Qua thời gian dạy ở vùng khó, các cô cũng tìm được vị trí thuận lợi hơn nên xin chuyển về.

"Việc ảnh hưởng sau khi "cán đích" nông thôn mới cũng một phần ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên ở trường. Tuy nhiên, nguyên chính vẫn là do hoàn cảnh gia đình, con nhỏ nên các cô muốn xin nghỉ để về công tác gần nhà. Trong những năm qua, nhà trường và địa phương đã kêu gọi hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp cho công tác dạy và học được đảm bảo", thầy Anh cho biết.

Phạm Hoàng

Theo dantri.com.vn