Kinh phí cho xúc tiến du lịch còn "khiêm tốn"
Ngân sách nhà nước cấp cho xúc tiến du lịch khoảng 2 triệu USD mỗi năm, rất thấp so với yêu cầu thực tế...
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV về việc đề nghị tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; quản lý và kiểm soát chặt chẽ chất lượng kinh doanh dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch…Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, kinh phí dành cho xúc tiến du lịch còn hạn chế khi ngân sách nhà nước cấp cho xúc tiến du lịch khoảng chỉ khoảng 2 triệu đô la Mỹ.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để nâng cao chất lượng của các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thời gian qua Bộ đã ban hành: Chiến lược marketing du lịch đến năm 2020, Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025 và phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam.
Đến nay, cả nước có 58/63 tỉnh/thành phố đã thành lập bộ phận chuyên trách về xúc tiến du lịch.
Tuy nhiên, kinh phí dành cho xúc tiến du lịch còn hạn chế, cơ chế tài chính nhiều bất cập. Trong đó, ngân sách nhà nước cấp cho xúc tiến du lịch chỉ khoảng 2 triệu USD mỗi năm là rất thấp so với yêu cầu thực tế và với các nước trong khu vực như: Thái Lan (86 triệu USD), Malaysia (130 triệu USD), Singapore (100 triệu USD).
Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng, Malaysia có 35 văn phòng, Singapore có 23 văn phòng và Hàn Quốc có 31 văn phòng.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan trong xúc tiến điểm đến quốc gia còn hạn chế. Đặc biệt là phối hợp liên ngành du lịch, ngoại giao, công thương, hàng không chưa thống nhất kế hoạch chung, còn trùng lặp hoạt động.
Để khắc phục hạn chế, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sẽ triển khai và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Đồng thời, thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại các thị trường trọng điểm. Cùng với đó là phối hợp công - tư, tập trung nguồn lực của Trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong công tác xúc tiến quảng bá, ưu tiên hoạt động tại thị trường du lịch trọng điểm.
Đối với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian qua đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước trong hoạt động du lịch, hoạt động kinh doanh dịch vụ.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, đã triển khai thực hiện 9 đoàn thanh tra trong lĩnh vực du lịch đối với 108 tổ chức, cá nhân tại các địa phương như: Tp Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Phú Yên, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Hưng Yên.
Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt hành chính đối với 7 đơn vị với tổng số tiền phạt là 62,5 triệu đồng.
Nhật Dương
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội