Kiểm tra, thi online mùa dịch: Khó triển khai rộng, dễ gian lận

Thứ sáu, 14/05/2021, 12:18 PM

Nhiều nhà trường, địa phương chọn phương thức kiểm tra học kỳ II trực tuyến để kết thúc năm học 2020-2021. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện việc này trong bối cảnh gấp gáp sẽ rất khó khăn, khó tránh khỏi chuyện học sinh gian lận.

6a-5412

Tại Hà Nội, một số trường đã tổ chức kiểm tra học kỳ II bằng phương thức trực tuyến như Trường THPT Chuyên Ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú, Trường Phổ thông liên cấp Olympia…

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết, trường đã hoàn thành kiểm tra học kỳ II cho học sinh từ lớp 10-12 bằng hình thức trực tuyến. Học sinh ở nhà làm bài trên máy tính, giáo viên giám sát phòng thi, nhận bài trên hệ thống phần mềm, còn ban giám hiệu giữ vai trò giám sát, theo dõi. Để thực hiện được việc này cũng phải có nền tảng vững vàng như kho học liệu, hệ thống có dữ liệu trộn đề, xáo thứ tự câu hỏi, đáp án trắc nghiệm…

Ông Nhâm cho rằng, để giảm thiểu tình trạng gian lận, mỗi học sinh cần có tài khoản định danh cá nhân; nội dung đề kiểm tra theo định hướng tiếp cận năng lực, tránh việc học sinh có thể bàn luận, sao chép tư liệu ở đâu đó vào bài.

“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là nhà trường hướng học sinh nêu cao tinh thần tự giác trong học tập, không đi sâu vào các giải pháp chống gian lận. Bởi vì thi trực tuyến cũng không thể giám sát được hết như trực tiếp, nếu học sinh không ý thức cũng rất khó”, ông nói.

TS Lại Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng, kể cả kiểm tra trực tiếp, học sinh vẫn có thể gian lận. “Tuy nhiên, nhà trường có quy định và giám thị giám sát phòng thi chặt chẽ, nếu học sinh bị phát hiện gian lận, chắc chắn sẽ bị xử lý”, bà Thảo nói.

Phần lớn thi trắc nghiệm

Một số địa phương như Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… đã quyết định cho học sinh kiểm tra trực tuyến. Vĩnh Phúc yêu cầu các trường phối hợp với phụ huynh bố trí để huy động tối đa số học sinh tham gia kiểm tra theo hình thức trực tuyến qua phần mềm như K12 Online, Onluyen.vn, LobHok...

Ngoại trừ môn Ngữ văn và môn Tiếng Việt kiểm tra cuối kỳ theo hình thức tự luận hoặc kết hợp giữa tự luận - trắc nghiệm, các môn học còn lại kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm.

Quảng Cáo Phó giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, ông Mai Tấn Linh, cho biết, với học sinh tiểu học, các trường cho trẻ làm bài kiểm tra cuối kỳ tại nhà, hoàn thành trước ngày 18/5. Học sinh THCS, THPT sẽ kiểm tra trực tuyến trên hệ thống phần mềm như Google Forms, Quizizz, vnEdu LMS, Microsoft Teams... Thầy cô ra đề trắc nghiệm kết hợp tự luận hoặc tự luận theo mức độ cần đạt của môn học.

Với học sinh không có điều kiện để kiểm tra trực tuyến, hoặc đang trong khu vực phong tỏa, chưa hết thời gian cách ly, các trường lên kế hoạch kiểm tra trực tiếp tại trường.

Ông Linh nói rằng, nhằm hạn chế việc học sinh có thể gian lận, Sở yêu cầu các trường xây dựng quy trình kiểm tra chặt chẽ, trong đó có yêu cầu ghi hình quá trình làm bài. Sở cũng quy định nhà trường phân công giáo viên chấm chéo bài giữa các lớp để đảm bảo khách quan. Giáo viên cũng đối chiếu kết quả kiểm tra thường xuyên và định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ).

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), cho rằng, các trường không nên cho kiểm tra trực tuyến một cách vội vã, khi chưa hội đủ điều kiện.

“Nếu cố thực hiện, sẽ khó có kết quả tốt, chưa kể sẽ dẫn tới việc gian lận, phản giáo dục. Ví dụ, bố mẹ đứng bên cạnh vì sốt ruột mà chỉ kết quả cho con đạt điểm cao, có hồ sơ đẹp. Như vậy, kết quả không những không chính xác, mà việc này còn dạy trẻ cách gian lận”, ông Vũ nói.

  Hà Linh

Theo tienphong