Không thỏa hiệp với hàng giả, hàng nhái

Thứ năm, 06/07/2023, 15:12 PM

6 tháng đầu năm 2023, hàng nghìn vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý cho thấy diễn biến phức tạp của vấn nạn này.

Thực tế đó đòi hỏi cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, trong đó doanh nghiệp cần chủ động vào cuộc và người tiêu dùng không thỏa hiệp với hàng giả, hàng nhái.

Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hàng giả tại số xã Kim Chung, huyện Hoài Đức này 10-6. Ảnh: Lưu Quyên

Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hàng giả tại số xã Kim Chung, huyện Hoài Đức này 10-6. Ảnh: Lưu Quyên

Hàng thật vừa ra, hàng giả đã xuất hiện

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... đã trở thành vấn nạn tại thị trường Việt Nam.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý hàng chục nghìn vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra gần 3.000 vụ việc, số tiền xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp.

Thực tế, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thuộc đủ chủng loại từ hàng tiêu dùng, gia dụng, điện tử tới thực phẩm, dược phẩm… Khoảng 1 năm trở lại đây, Tổng cục Quản lý thị trường liên tiếp nhận được yêu cầu của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam, đề nghị phối hợp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Trưởng ban Đối ngoại, Tập đoàn Lego tại Việt Nam Đỗ Việt Tùng cho biết, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm đồ chơi giả nhãn hiệu Lego. Có sản phẩm Lego vừa ra mắt 1-2 tháng thì trên thị trường đã có hàng giả. Đáng nói, sản phẩm giả có giá chỉ bằng 1/5 đến 1/3 giá hàng thật. Lego đã nhiều lần đề nghị các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, đóng gian hàng nhưng không xuể.

Cơ quan chức năng nhận định, hàng giả từ 2 nguồn, gồm sản xuất trong nước và nhập lậu. Ở trong nước, thay vì dành kinh phí phát triển thương hiệu, sản phẩm, nhiều đối tượng làm nhái các sản phẩm, thương hiệu có sẵn trên thị trường để đạt lợi nhuận nhanh. Bên cạnh đó hàng giả từ nước ngoài tuồn vào trong nước cũng gia tăng, được vận chuyển công khai; thông qua việc lập doanh nghiệp và nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu chính thức, hàng giả được trà trộn với số lượng lớn.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thực trạng này không chỉ diễn ra ở cửa khẩu biên giới phía Bắc mà cả ở miền Trung, Tây Nam Bộ. Có tới 90% hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được bán trên không gian mạng với nhiều thủ đoạn lẩn tránh tinh vi, làm khó các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp chủ động vào cuộc

Hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp và ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài. Do đó, cần có giải pháp phòng, chống hiệu quả hơn nữa.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, hiện nay, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh, tuy nhiên, việc thực thi cần hiệu quả hơn nữa. Cùng với đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng để xử lý tận gốc vấn nạn này. Doanh nghiệp không nên ỷ lại cơ quan chức năng mà cần chủ động bảo vệ thương hiệu của mình, đồng thời, vượt qua tâm lý e ngại khi có sản phẩm bị làm giả để phối hợp tốt với cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để. Còn người tiêu dùng không nên thỏa hiệp, mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại.

Từ phía doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam (sản xuất thực phẩm và đồ uống) chia sẻ, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện cũng như xử lý những hành vi làm giả hàng hóa nếu có. Mặt khác, Công ty hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, nhà phân phối và người tiêu dùng; thường xuyên thông báo, phổ biến đặc điểm phân biệt thông tin thành phần, khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra logo, nhãn và tem sản phẩm.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường chủ trương “phòng hơn chống”, thông qua tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông; tổ chức các tuần lễ trưng bày hàng thật - hàng giả để cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết hàng giả.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, những ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử; sử dụng biện pháp kỹ thuật truy tìm dấu vết của những người bán hàng giả, hàng nhái trên mạng, sàn thương mại điện tử...

LAM GIANG

Theo hanoimoi.vn

largeer