Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng

Thứ hai, 25/06/2018, 10:19 AM

Theo ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chủ trì (sáng nay, ngày 25/6) có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, cũng như chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ và cho cả nhiệm kỳ tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng. Ảnh: T.H

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng. Ảnh: T.H

Đánh giá về công tác PCTN từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ông Võ Văn Dũng khẳng định đã có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Bên cạnh đó cũng đã gắn PCTN với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, nhà nước và xử lý hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm, cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cả trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. “Những kết quả đạt được về công tác PCTN trong thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung cùng với những kết quả về phát triển kinh tế- xã hội, đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”, ông Dũng cho hay.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam:

Cái gốc vẫn là công tác cán bộ

Từ sau Đại hội lần thứ 12 của Đảng đến nay, nhất là sau Hội nghị Trung ương 4 thì cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực mới được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Nhiều vụ việc nổi cộm, liên quan đến những người có chức, có quyền, liên quan đến cả cán bộ cấp cao đã bị xem xét, xử lý nghiêm minh đã khẳng định quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, qua những vụ việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng và nhiều cán bộ khác cho thấy không còn có chuyện “cứ về hưu là hạ cánh an toàn”, mất chức là thôi bị trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực không bao giờ dễ dàng, đòi hỏi phải làm kiên trì, quyết liệt. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm thì điều quan trọng là phải tập trung xây dựng, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ có tài, có đức vào bộ máy. Cán bộ là cái gốc, nếu lựa chọn không đúng, để người tham ô, tham nhũng, tiêu cực chui vào bộ máy thì công tác phòng chống tham nhũng khó mà phát huy được hiệu quả. Các vụ việc xảy ra trong thời gian qua như ở Đà Nẵng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là một minh chứng khá rõ cho vấn đề này. Do đó, lần này, Đảng cần phải nghiên cứu và tiếp tục có những quyết sách mạnh mẽ, đấu tranh có hiệu quả hơn nữa đối với tình trạng tham nhũng.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương):

Phải kiểm soát được dòng tiền và sự dịch chuyển tài sản

 Từ năm 2017 đến nay, bên cạnh sự phấn khởi lạc quan về những thành tựu kinh tế - xã hội còn là niềm tin trở lại khi khí thế cuộc chống tham nhũng bước vào giai đoạn mới. Những vùng cấm, những “thành lũy” mà xưa kia nhiều người vẫn hoài nghi, khó lòng chạm tới thì nay cửa đã mở toang. Căn bệnh tham nhũng tưởng chừng trầm kha mãn tính thì nay đã bắt đầu phản ứng tốt với những phương thuốc đúng liều.

Tuy nhiên để ngăn ngừa được tham nhũng thì điều quan trọng nhất là phải xây dựng được cơ chế để mọi người không dám tham nhũng. Điều này cũng là thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật làm cho người biết run sợ khi nhen nhóm ý định “nhúng chàm”. Bên cạnh đó, phải xây dựng cơ chế để “không thể tham nhũng”. Nhưng muốn làm được điều đó thì phải kiểm soát dòng tiền của xã hội, kiểm soát nguồn hình thành và dịch chuyển của tài sản, kiểm soát nguồn chi tiêu, giám sát nguồn chi tiêu và biến động bất thường ngoài thu nhập.

ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình):

Công khai, minh bạch để chống tham nhũng

Để phòng và chống được tham nhũng thì quan trọng nhất là vấn đề thực hiện cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Thực tế, lâu nay chúng ta thấy việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước chưa tốt. Đơn cử một việc gần đây nhất là về đầu tư hình thức BOT. BOT là việc làm liên quan đến dân nhưng hợp đồng lại có điều khoản bảo mật hay nói cách khác ta ký hợp đồng này trong bóng tối?. Cơ quan kiểm toán cần phải soi sáng để dân được biết thì lại có một bộ khác ngăn cản, lại nói không được kiểm toán vì đây không phải tài sản công, không phải tài chính công thì lại càng làm cho dân nghi kỵ. Nếu chúng ta công khai từ đầu cho dân được tham gia thì không thể có chuyện khoảng cách không đúng, không thể có chuyện làm đường một chỗ, đặt trạm một chỗ, không nảy sinh ra chuyện bức xúc của người dân.

VĂN KIÊN

Theo TPO