Không chia cổ tức, ngân hàng tích của
Do đang trong quá trình tái cơ cấu và đẩy mạnh xử lý nợ xấu, lợi nhuận thu về chủ yếu để trích lập dự phòng, nên không ít ngân hàng vẫn nói “không” với việc chia cổ tức cho cổ đông, tiếp tục tích lũy của để dành cho các năm sau.
Tăng dự phòng rủi ro
Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn (SCB), ông Võ Tấn Hoàng Văn cho hay, mục tiêu của SCB trong năm nay là tiếp tục xử lý khoản nợ xấu như năm trước (hơn 4.000 tỷ đồng). Đáng chú ý, quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã tăng lên trên 8.000 tỷ đồng. Đây được xem là phần tích lũy của SCB trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu những năm qua.
Vì vậy, nguồn lợi nhuận thu về của SCB trong các năm qua chưa thể chia cổ tức cho cổ đông, mà chủ yếu tập trung tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Theo ông Văn, cổ đông Ngân hàng luôn tin tưởng, ủng hộ Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành, nên trước mắt không kỳ vọng vào cổ tức, mà có cái nhìn lâu dài hơn trong tiến trình phát triển của SCB sau khi kết thúc tái cấu trúc vào năm 2020.
Lãnh đạo VietBank cũng cho hay, năm nay, Ngân hàng sẽ hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.256 tỷ đồng sau khi được chấp thuận cuối năm 2018. Kế hoạch lợi nhuận dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp thường niên tới vào khoảng 500 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của VietBank đã giảm từ 1,35% hồi đầu năm 2018 xuống còn 1,25% cuối năm qua. Tuy nhiên, nhiều khả năng, VietBank sẽ không chia cổ tức 2018, mà dành lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí dự phòng rủi ro của VietBank trong năm 2018 đã tăng lên 73 tỷ đồng, trong khi năm 2017 lại được hoàn nhận 38 tỷ đồng dự phòng rủi ro.
Cổ đông Sacombank, trong nhiều năm qua, cũng không nhận được cổ tức, do ngân hàng này phải xử lý đống nợ xấu lớn kể từ khi “ôm” thêm SouthernBank. Sacombank không ngừng nỗ lực bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu trong thời gian qua và thậm chí còn hạ giá bán đến 3.000 tỷ đồng đối với các bất động sản cần phát mãi để thu hồi nợ xấu.
Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, Ngân hàng đã mạnh tay tăng chi phí dự phòng rủi ro thêm gần 2 lần, lên 1.592 tỷ đồng năm 2018. Tổng số nợ xấu nội bảng Sacombank đến cuối năm 2018 đã giảm gần một nửa so với hồi đầu năm, xuống còn 5.427 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh từ 4,67% xuống còn 2,11%, song vẫn còn cao so với nhiều ngân hàng khác. Vì thế, Sacombank tiếp tục tăng dự phòng rủi ro.
Giữ lợi nhuận để tăng vốn
Trước áp lực tăng vốn đáp ứng các chuẩn mực của Basel II, không chỉ dành lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro, nhiều ngân hàng cũng giữ lại lợi nhuận 2018 để tăng vốn.
VPBank vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018. Theo đó, VPBank sẽ dùng hơn 3.900 tỷ đồng để trích lập các quỹ, gồm trích gần 368 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trích hơn 735 tỷ đồng cho quỹ dự phòng tài chính, trích 2.821 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển. Toàn bộ số tiền 3.431 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối năm 2018, sau khi trích quỹ, sẽ được giữ lại để bổ sung vốn hoạt động.
VPBank cho biết, 86% tổng số phiếu biểu quyết đã tán thành nội dung trên, 14% không tán thành. Như vậy, với phương án này, cổ đông của Ngân hàng có thể không có cổ tức, hoặc sẽ nhận cổ tức bằng cổ phiếu, chứ không phải bằng tiền mặt như các năm trước.
Trong khi đó, các ngân hàng ACB, HDBank, TPBank, MB, Techcombank... đều cho biết sẽ chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Ngay cả Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng kỳ vọng chia cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn, đáp ứng lộ trình áp chuẩn Basel II ngày một gần.
Áp lực xử lý nợ xấu tăng và dự phòng lớn, song SCB cũng không thể nằm ngoài cuộc đua tăng vốn trước lộ trình áp chuẩn Basel II. Sau khi tăng vốn điều lệ lên 15.232 tỷ đồng cuối năm qua, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng thêm 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Techcombank “lội ngược dòng” chia cổ tức khủng
Thực tế, không phải những ngân hàng đang trải qua quá trình tái cơ cấu đều phải nói “không” cổ tức với cổ đông. Một số ngân hàng như Techcombank, trong nhiều năm trước, đã không chia cổ tức, nhưng đến khi chuẩn bị niêm yết đầu năm 2018, đã làm một cú “ngược dòng”, chia cổ tức “khủng” 200% để tăng vốn lên 35.000 tỷ đồng, khiến nhà đầu tư vô cùng phấn khích.
Thùy Vinh
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng