Không cần thiết áp giá sàn xuất khẩu gạo
Các doanh nghiệp cho rằng nếu Việt Nam quy định mức giá sàn xuất khẩu gạo thì có nguy cơ bị khách hàng nước ngoài ép giá bán.
Mới đây, trong bối cảnh giá gạo trong nước lẫn xuất khẩu tăng rất cao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã kiến nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nhiều nhà xuất khẩu gạo không ủng hộ đề xuất này.
Lo “tự mua dây buộc mình”
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra đề xuất trên xuất phát từ thực tế giá gạo biến động mạnh và tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, đến nhà máy xay xát, chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Mặt khác, tình trạng trên còn dẫn đến tâm lý chờ giá nên một số hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký kết với đối tác.
“Đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo là để đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo” - VFA lý giải.
Thế nhưng nhiều công ty xuất khẩu gạo lại không ủng hộ đề xuất này. Là đơn vị đang xây dựng tốt chuỗi liên kết từ sản xuất đến thu mua xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng: Quy định giá sàn trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu đang tăng cao, nông dân được lợi thì chẳng khác nào tự gây khó khăn thêm cho xuất khẩu gạo, giống như “tự mua dây buộc mình”. Nếu VFA tự tính toán đưa ra giá sàn xuất khẩu rồi bắt các doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ là bất hợp lý. Ví dụ giá gạo xuất khẩu hiện nay trên thị trường là 680 USD/tấn, giờ VFA đưa ra giá sàn chỉ 600 USD tấn thì doanh nghiệp Việt muốn bán giá cao dễ gì khách hàng nước ngoài chấp nhận.
“Thậm chí giá sàn xuất khẩu chỉ áp dụng cho một loại gạo, giá các loại gạo khác tùy doanh nghiệp tính toán. Thế nhưng hậu quả khi doanh nghiệp chào giá các loại gạo khác không bị áp giá sàn chắc chắn sẽ bị khách hàng nước ngoài kêu trời, họ sẽ căn cứ vào mức giá sàn đưa ra để ép giá gạo Việt Nam bán rẻ. Vì vậy, giá sàn không mang lại lợi ích gì cho cả nông dân lẫn nhà xuất khẩu!” - ông Bình nêu quan điểm.
Ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cũng cho biết thực tế trước đây vài năm Việt Nam đã từng áp dụng giá sàn xuất khẩu vì thời điểm đó có tình trạng nhiều công ty ở lĩnh vực khác nhảy vào xuất khẩu gạo mà không hề có vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến… Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tranh mua lúa của nông dân với giá cao khiến những đơn vị xuất khẩu gạo có đủ nhà máy, kho chứa lại không mua được gạọ. Thậm chí còn có tình trạng tranh bán, bán giá thấp, cạnh tranh không lành mạnh. Sau đó, quy định giá sàn đã bị bãi bỏ.
Tuy nhiên, theo ông Tâm, bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo hiện nay đã khác, các công ty xuất khẩu đều phải đáp ứng các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu. Hơn nữa, giá lúa gạo nội địa đang tăng, nông dân có lợi. Giá xuất khẩu gạo cũng tăng, doanh nghiệp ký hợp đồng mới giá tốt hơn. Giá lúa gạo Việt Nam biến động nhưng sẽ tự điều chỉnh theo thị trường. Vì vậy, quy định giá sàn ở thời điểm này không có lợi.
Giá xuất khẩu nên theo giá thị trường
GS Võ Tòng Xuân nhìn nhận giá sàn đã được áp dụng vài năm trước đây nhưng không hợp lý, không mang lại lợi ích gì cho ngành xuất khẩu gạo nên đã bỏ. Về lý thuyết, VFA đưa ra mức giá sàn xuất khẩu gạo dưa trên tính toán về chi phí sản xuất, mức lợi nhuận dự kiến… nhưng xuất khẩu gạo hay bất cứ lĩnh vực nào đều vận động theo kinh tế thị trường. Giá xuất khẩu gạo Việt Nam cũng biến động theo thị trường thế giới, vì vậy đưa ra một mức giá sàn ở một thời điểm không sát thực tế. Hãy để các doanh nghiệp tự tính toán, đàm phán và bán gạo với mức giá phù hợp.
GS Xuân nhấn mạnh: “Không nên quy định giá sàn, vì giá sàn không làm tăng giá gạo xuất khẩu và thu nhập của nông dân. Hiện tại, vụ hè thu, nông dân đã gần như thu hoạch xong, lúa đã được các doanh nghiệp mua chuyển vào kho, mua giá cao, nông dân có lợi. Vì vậy, nếu trong trường hợp hợp đồng đã ký trước đó vài tháng có mức giá thấp hơn thị trường hiện nay thì nhà xuất khẩu hoàn toàn có thể đàm phán lại với khách hàng”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam hoàn toàn có lợi thế vì nguồn lương thực trên thế giới không nhiều khi nhiều nước vẫn hạn chế xuất khẩu. Thị trường đang thuộc về phía người bán. Vì vậy, doanh nghiệp có thể đàm phán với khách hàng xuất khẩu với giá dưới giá thị trường hiện nay nhưng đảm bảo không lỗ.
Ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cho biết hiện nay nhiều loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đang được khách hàng quốc tế mua giá rất cao. Dù giá gạo trong nước tăng nhưng những doanh nghiệp có vùng nguyên liệu vẫn chủ động được lượng gạo tồn kho cung ứng cho những hợp đồng đã ký.
Vì vậy, thị trường sẽ tự sàng lọc những doanh nghiệp làm ăn kiểu chộp giật. Những doanh nghiệp ký hợp đồng rồi mới đi thu mua, không có vùng nguyên liệu, không có kho chứa, chỉ mua đi bán lại sẽ không mua được nguồn hàng, nguy cơ bị phạt hợp đồng, thua lỗ.
“Như vậy, bên cạnh xây dựng được chuỗi liên kết với vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có kế hoạch chủ động thu mua gạo trước rồi mới ký hợp đồng, tính toán trước nguồn hàng, tồn kho, mua giá đảm bảo nông dân có lợi nhuận” - ông Tâm nói.
Xuất khẩu gạo tăng hơn 36%
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tám tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo đạt 3,17 tỉ USD, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tám tháng đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sáu thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt là Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Gana, Bờ Biển Ngà và Malaysia. Những thị trường này chiếm khoảng 82% tổng giá trị xuất khẩu gạo của cả nước và chiếm 71% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng
-
Nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu
-
Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024