Không bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nữa

Thứ ba, 01/12/2020, 09:27 AM

Ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) thông tin, từ tháng 12 này, quy định bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong chuẩn chức danh nghề nghiệp sẽ bị loại bỏ.

Cũng theo ông Bình, Bộ GD&ĐT đã làm việc trực tiếp với Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ cũng đã trao đổi rất nhiều lần với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đơn vị tham mưu với Bộ trưởng trong việc xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến nhà giáo.

Bộ Nội vụ thống nhất đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc không quy định giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT phải có chứng chỉ chứng minh trình độ ngoại ngữ, tin học trong quy định về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên.

Ngoài ra cũng không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ 2 và giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ tiếng dân tộc.

Không bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nữa (ảnh minh họa)

Không bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nữa (ảnh minh họa)

Trước đó, Bộ Nội vụ đã có ý kiến chính thức tại công văn số 4853 ngày 16/9/2020 và công văn số 5646 ngày 27/10/2020; sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ hiện thực hóa trong chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập sắp được ban hành.

“Bộ trưởng cũng chỉ đạo những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp; để khi ra trường, giáo viên có đủ năng lực ngoại ngữ, tin học phục vụ công việc”, ông Đặng Văn Bình thông tin thêm.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn tất các quy trình soạn thảo văn bản và đơn vị đầu mối là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sẽ trình lãnh đạo Bộ ban hành chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập trong tháng 12 này.

Có thể nói việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.

Ngay sau khi thông tin này được phát đi, hầu hết giáo viên bày tỏ sự đồng tình và vui mừng trước thay đổi này. Bởi lẽ, quy định về chứng chỉ áp đặt một cách máy móc, cào bằng khiến đội ngũ công chức, viên chức khổ sở bổ sung hoàn thiện. Những "giấy phép con" đó đã tạo ra những hành vi tiêu cực, gian lận để "đạt chuẩn" theo yêu cầu. Đồng thời cũng tạo "vùng đất màu mỡ" cho các đối tượng “cò bằng cấp”, “cò chứng chỉ” sống gửi.

Nhiều giáo viên cho rằng, năng lực ngoại ngữ và tin học là cần thiết khi thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng cách quy định như thời gian qua vô hình trung khiến việc bổ túc chứng chỉ mang tình hình thức chứ không có giá trị về nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Hoàng Thanh

Theo infonet