Khe cửa hẹp cho Grab Việt Nam “thoát hiểm” trong thương vụ thâu tóm Uber

Thứ sáu, 18/05/2018, 14:00 PM

Sau một tháng đưa ra quyết định điều tra sơ bộ thương vụ Grab thâu tóm Uber tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đưa ra kết luận bước đầu: Thương vụ thâu tóm có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Grab Việt Nam rất khó “thoát hiểm” trong cuộc điều tra thương vụ thâu tóm Uber tại Việt Nam. Ảnh: T.L

Grab Việt Nam rất khó “thoát hiểm” trong cuộc điều tra thương vụ thâu tóm Uber tại Việt Nam. Ảnh: T.L

Trước khi quyết định điều tra sơ bộ được đưa ra, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ và vận tải đã phân tích rằng: Dù xem xét Grab ở góc độ nào - dịch vụ “taxi công nghệ” hay dịch vụ kết nối đặt xe qua ứng dụng trên Internet - thì thương vụ Grab thâu tóm Uber cũng sẽ rất khó thoát được các quy định về cấm tập trung kinh tế trong Luật Cạnh tranh.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, trong thời gian vừa qua cục đã tổ chức làm việc với các bên bị điều tra… Kết quả điều tra cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Và như vậy, vụ thâu tóm này có dấu hiệu vi phạm về tập trung kinh tế đã được quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004. Căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004. Đến khi kết thúc điều tra chính thức, cục sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.

Có thể nói, đây dù là kết quả điều tra sơ bộ nhưng không bất ngờ đối với các chuyên gia và những người am tường thị trường đặt xe qua ứng dụng di động trên Internet. Bởi trên thực tế trong lĩnh vực này, ngoài Grab và Uber (trước sáp nhập) thì các ứng dụng Việt còn lại trên thị trường rất không đáng kể và cũng rất ít khách hàng sử dụng, trong khi những ứng dụng khác cùng loại từ nước ngoài thì chưa kịp vào thị trường Việt Nam.

Quyết định điều tra sơ bộ về thương vụ Grab thâu tóm Uber tại Việt Nam đi sau các quốc gia như Singapore hay Philippines, tuy nhiên cũng cần khẳng định rằng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã làm những gì cần làm và phải làm. Lâu nay ở khu vực Đông Nam Á thì Grab đã là số 1 trong lĩnh vực và sau khi thâu tóm Uber xong Grab càng lớn mạnh hơn rất nhiều nếu không muốn nói là gần như độc chiếm thị trường trong lĩnh vực này.

Thế nhưng những tính toán về “cuộc chơi lớn” của Grab đã và đang vướng “vận hạn” từ các quy định của pháp luật không chỉ tại Việt Nam hay khu vực Đông Nam Á mà cả trên bình diện thế giới. Tất nhiên vào tháng 3 vừa qua, Grab Việt Nam có giải thích về việc không vượt qua ngưỡng thị phần bị luật pháp khống chế song giải trình lại thiếu các căn cứ đủ thuyết phục. Theo nhiều chuyên gia, với những gì trên thực tế mà Grab Việt Nam đã chiếm lĩnh trên thị trường dịch vụ đặt xe qua ứng dụng di động trên Internet tại Việt Nam như hiện nay thì khó có thể thuyết phục được các cơ quan chức năng và dư luận rằng mình không vi phạm quy định về tập trung kinh tế.

Cách “thoát hiểm” cho Grab hiện nay có lẽ là tự nhìn nhận và chứng minh được mình là nhà cung cấp dịch vụ vận tải bằng taxi. Song nếu như vậy Grab lại mâu thuẫn “gậy ông đập lưng ông” dẫn đến tình huống khó xử khác về sau, vì doanh nghiệp này từng nhiều lần phủ nhận mình là doanh nghiệp dịch vụ vận tải bằng taxi.

THẨM HỒNG THỤY

Theo LĐO