Khách hàng kiện Ford, “chỉ là hiện tượng cá biệt của người tiêu dùng Việt Nam”
Vụ ông Võ Quốc Bình khởi kiện Ford Việt Nam được nhiều người đánh giá là phát súng khởi đầu cho sự lên tiếng của người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Minh Hương cho rằng, đó chỉ là hiện tượng cá biệt.
Khách hàng đòi kiện Ford Việt Nam
Tháng 9/2017, báo Người Tiêu Dùng đã đưa tin về việc ông Nguyễn Tiến Khoa, (ngụ quận Gò Vấp, chủ một doanh nghiệp may ở Đồng Nai) phản ánh Ford Việt Nam quảng cáo sai sự thật về chiếc xe Ford Ecosport Titanium. Được biết, hãng Ford quảng cáo chiếc xe này có thể di chuyển trong địa hình ngập nước đến 55 cm nhưng trên thực tế, khi xe đi vào đoạn đường ngập mới 35 cm đã bị thủy kích. Ông Khoa đem xe đến Ford Đồng Nai để sửa chữa. Tại đây ông được biết nguyên nhân khiến xe chết máy là do hiện tượng thủy kích.
Ông Khoa bức xúc nói: “Không lý nào chiếc xe đi được trong điều kiện ngập nước đến 55 cm trong khi thực tế đi địa hình chỉ mới ngập nước 35 cm nước đã vào trong máy. Đó là điều hết sức vô lý, tôi không đồng ý với kết quả kiểm tra của kỹ sư tại Ford Đồng Nai, đồng thời mong muốn trả lời chính xác từ đại diện Ford Việt Nam”.
Đối với trường hợp của ông Khoa, đại diện Ford Việt Nam trả lời mực nước 55cm là dựa trên mẫu thử kỹ thuật của hãng. Tuy nhiên khi được yêu cầu công khai mẫu thử, thậm chí cung cấp thông số để xây dựng đường thử thì Ford đều từ chối hợp tác vì đó là “bí mật nội bộ của hãng”. Bức xúc với sự lấp liếm, thiếu trung thực trong quảng cáo của Ford. Ông Khoa tuyên bố sẽ khởi kiện Ford trong thời gian tới.
Vụ bê bối thứ hai của Ford là trường hợp ông Võ Quốc Bình (Tổng giám đốc tập đoàn Bình Minh) kiện Ford vì xe bị lỗi hộp số gây nguy hiểm trong quá trình di chuyển của gia đình ông.
Ông Bình chia sẻ về trường hợp của mình “Tôi mua chiếc xe Ford Focus trong chương trình “Xe Ford chính hãng đã qua sử dụng” hồi tháng 2. Và vì là người trong nghề nên tôi phát hiện lỗi hộp số của xe mình. Các lỗi thường xuyên xảy ra là hộp số bị rung giật khi chuyển đổi, trượt ly tâm Powershift, thường xuyên báo lỗi “TRANMISSION HOT WAIT 5 MINUTES” (thậm chí báo lỗi nguy hiểm “TRANMISSION OVERHEATING STOP SAFELY”… Đỉnh điểm, dịp Tết Mậu Tuất vừa rồi, tôi có đi xe qua đèo Cù Mông (thuộc địa phận tỉnh Bình Đinh), đang chạy thì bị lỗi hộp số, nguy cơ trượt đèo và tai nạn là cực cao. May mắn là tôi có kinh nghiệm trong nghề nên đã điều khiển xe an toàn xuống đèo. Sau đó, tôi có gọi điện cho Ford Việt Nam thì được hứa sẽ giải quyết. Đến khi gọi điện lần thứ 2 thì mới được giới thiệu ra chi nhánh Ford Bình Triệu. Tôi mang xe ra đây kiểm tra thì chính Ford Bình Triệu xác nhận hộp số của tôi còn trong hạn bảo hành thời gian 5 năm. Nhưng họ yêu cầu tôi trả số tiền là 3.086.000 đồng tiền kiểm tra, và cho rằng đây là lỗi từ phía tôi nên nếu sửa tôi sẽ phải chịu chi phí. Tôi không đồng ý mất tiền oan nên mang xe về. Nhận thấy đây là một cách làm ăn không đàng hoàng, chộp giật, không tôn trọng khách hàng của Ford nên tôi quyết định gửi đơn kiện.”
“Là hiện tượng cá biệt chứ chưa phải hiện tượng đáng mừng”
Tuy rằng hai vụ kiện Ford đã phần nào khơi dậy ý thức bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng Việt Nam. Thế nhưng, cả ông Khoa và ông Bình đều là những người có am hiểu về xe ô tô lẫn điều kiện để thực hiện kiểm tra chiếc xe của mình. Liệu rằng trong hàng ngàn chiếc xe Ford khác đã bán ra thị trường Việt Nam, có bao nhiêu chiếc xe có lỗi kỹ thuật tương tự? Có bao nhiêu khách hàng đủ am hiểu và phân biệt được xe gặp vấn đề do nhà sản xuất hay do quá trình sử dụng? Nếu khách hàng không có chuyên môn về xe như ông Võ Quốc Bình thì lỗi sẽ thuộc về ai?
Ông Bình tự đánh giá: “Tôi hy vọng, việc làm của tôi sẽ là phát súng mở đầu cho sự vùng dậy của người tiêu dùng Việt. Ít nhất là chúng ta dám lên tiếng, đòi hỏi quyền lợi và nhu cầu chính đáng của mình, không để bị các thương hiệu lớn ức hiếp, móc túi. Muốn như thế, người tiêu dùng Việt cần nâng cao ý thức về vị thế của mình, và cả kiến thức cơ bản về thị trường. Tôi thực sự kỳ vọng về một sự thay da đổi thịt thực sự từ thị trường Việt và người tiêu dùng Việt”.
Ông Khoa chia sẻ: “Nhờ sự việc của anh Bình, tôi hiểu ra mình không đơn độc, và cần phải lên tiếng vì quyền lợi chung. Tôi cũng sẽ học theo anh Bình, đưa mọi việc ra cộng đồng để mọi người được biết, từ đó nâng tầm ý thức cho người tiêu dùng Việt và cảnh báo tới các thương hiệu nước ngoài làm ăn chộp giật."
Trao đổi với phóng viên về trường hợp trên, bà Nguyễn Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Chống gian lận Thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh (AFCA) cho biết:
“Vụ việc ông Võ Quốc Bình kiện hãng xe lớn như Ford cho thấy khi người tiêu dùng Việt có hiểu biết sẽ biết đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng vụ việc ông Võ Quốc Bình vẫn chỉ là hiện tượng cá biệt tại xã hội Việt Nam chứ chưa phải là dấu hiệu đáng mừng. Chính phủ và cả xã hội cần tuyên truyền hơn nữa để người tiêu dùng Việt ý thức được quyền lợi của mình để tự bảo vệ bản thân. Người tiêu dùng Việt hãy luôn là người tiêu dùng thông minh, hãy sử dụng công cụ pháp lý mà nhà nước đã trao cho - Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Hoài Viễn - Tiến Lên - Đăng Kiệt
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm