Khách hàng bị lừa khi mua hàng: Facebook nói gì?

Thứ năm, 27/08/2020, 10:50 AM

Trước những thiệt thòi cho người dùng khi mua sắm trên Facebook, Bộ Công thương đề xuất các quy định đưa mạng xã hội Facebook có hoạt động thương mại điện tử lớn nhất, phải chịu sự quản lý của pháp luật.

Như đã đề cập, hiện nay khi mua sắm trên Facebook, người dùng không biết kêu ai khi xảy ra các sự cố về hàng hóa và tiền bạc. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.

Nhiều người đặt vấn đề, nếu Facebook không có bất cứ cơ chế quản lý những nhà bán hàng trên nền tảng này thì liệu Facebook có đang tiếp tay cho việc buôn bán hàng giả, hàng nhái và các hành vi gian thương?

0

Facebook lên tiếng

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Facebook cho biết, nền tảng này đã xây dựng nhiều công cụ để giúp các thương hiệu giải quyết vấn đề này nhằm ngăn chặn sự lây lan của hàng giả, hoặc tình trạng lừa đảo khi mua hàng trên Facebook, nhất tính năng chợ mua – Marketplace của nền tảng này.

“Chúng tôi đầu tư vào công nghệ như máy học và trí tuệ nhân tạo để giúp chặn hoặc giảm thiểu việc đăng tải các nội dung có khả năng liên quan đến hàng giả trên cả Facebook và Instagram”- đại diện Facebook cho hay.

Theo đó, công nghệ này hoạt động thông qua việc nhận diện tự động các bài đăng, quảng cáo trên Marketplace có chứa các dấu hiệu vi phạm hay không hoặc thông qua các từ khóa ám chỉ hàng giả như “hàng rep”, “replica”...

Riêng đối với tính năng mua bán Marketplace, đại diện Facebook cho biết họ cho phép mọi người gắn cờ các mặt hàng mà họ nghi là hàng giả trên Marketplace để xem xét, với danh sách mặt hàng bị từ chối sẽ được đưa trở lại hệ thống máy học của Facebook để phát hiện các mặt hàng này tốt hơn trong những lần tiếp theo.

Những vụ lừa đảo, buôn bán hàng giả thường xuyên xảy ra trên nền tảng Facebook. Ảnh: T.Hà

Những vụ lừa đảo, buôn bán hàng giả thường xuyên xảy ra trên nền tảng Facebook. Ảnh: T.Hà

“Ngoài ra chúng tôi còn cung cấp các mẹo mua và bán một cách an toàn trên Marketplace bao gồm một mục cụ thể về chính sách chống hàng giả. Đơn cử như khuyến cáo mọi người trên Marketplace khi họ quan tâm đến việc mua hoặc bán các sản phẩm trong danh mục dễ bị làm giả; đồng thời có các chính sách bảo vệ mua hàng, nghĩa là nếu ai đó vô tình mua sản phẩm giả với tính năng thanh toán trên Facebook, họ có thể được hoàn tiền”- đại diện Facebook nêu rõ.

 Cụ thể, theo thông tin từ nền tảng này, hầu hết các giao dịch mua bán thực hiện bằng cách sử dụng dịch vụ thanh toán tại chỗ- Facebook Pay trên Facebook hoặc Instagram đều thuộc phạm vi điều chỉnh của “Chính sách về Quy định bảo vệ mua hàng”.

Theo đó các giao dịch mua được bảo vệ gồm: người mua không nhận được hàng trong vòng 16 ngày kể từ khi người bán xác nhận đơn đặt hàng. Hoặc mặt hàng bị hỏng hoặc rất khác so với thông tin mô tả, người bán không tuân thủ chính sách hoàn tiền mà họ đặt ra và giao dịch mua trái phép.

 Tuy nhiên trên thực tế, dịch vụ thanh toán Facebook Pay- một dịch vụ thanh toán thống nhất trên các nền tảng ứng dụng khác nhau của Facebook, mới chỉ triển khai ở Mỹ vào tháng 11-2019. Hiện chưa có rõ kế hoạch triển khai mở rộng công cụ này tại các nước và khu vực khác, trong đó có Việt Nam. Do đó, dường như chính sách bảo vệ người dùng khi mua hàng trên Facebook vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.

Bộ Công Thương muốn “áp chế tài” với Facebook

Tại tờ trình về việc sửa đổi Nghị định 52/2013 về TMĐT, Bộ Công Thương đã đề xuất các quy định với mục tiêu đưa mạng xã hội (MXH) Facebook có hoạt động TMĐT lớn nhất nhưng không có sự hiện diện tại Việt Nam, phải chịu sự quản lý như các MXH trong nước. Facebook là MXH của nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam, chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 52 như các trang MXH Việt Nam, nhưng Facebook đang là một nền tảng giao dịch TMĐT với quy mô lớn nhất ở nước ta. Đồng thời người bán tại trang MXH này cũng không cung cấp thông tin về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay mã số thuế cá nhân

Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý, bởi họ không thể truy cứu hay yêu cầu trách nhiệm của đơn vị sở hữu, quản lý MXH cũng như giám sát trách nhiệm của người bán hàng và cung ứng dịch vụ.

Trong khi đó người mua hàng lại thường là cá nhân, thông thường giao kết hợp đồng vì tin tưởng vào người bán và cộng đồng. “Những giá trị giao dịch thường không lớn nhưng khi có tranh chấp họ thường không nhận được sự hỗ trợ của đơn vị vận hành MXH. Đồng thời khó khai thác sự hỗ trợ của các tổ chức khác như cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng”- báo cáo của Bộ Công thương nêu rõ.

Do đó, Bộ Công Thương muốn bổ sung quy định chi tiết về quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, bao gồm cả những thương nhân, tổ chức nước ngoài không có sự hiện diện chính thức tại Việt Nam nhưng tiến hành hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, Bộ đề xuất các MXH nước ngoài này phải phối hợp, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát, gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm. Đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được sự phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh.

Đặc biệt, các MXH như Facebook có hoạt động như sàn giao dịch TMĐT phải yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ thông tin liên quan tới tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân, số, ngày cấp và nơi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân, số điện thoại và phương thức liên lạc khi cần…

Bộ Công Thương cũng cho rằng, những quy định mới này sẽ khiến các trang MXH tốn thêm các chi phí liên quan nhưng vấn đề cốt lõi cần phải quan tâm đó là việc bảo vệ quyền lợi được người tiêu dùng. Theo đó cần xác định các MXH hỗ trợ mua bán trực tuyến phải tuân theo quy định như đối với sàn TMĐT, từ đó mới tạo lập được khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng giữa MXH trong và ngoài nước. 

Thu Hà

Theo plo.vn