Khả năng 'hấp thụ' tín dụng cuối năm không như kỳ vọng

Thứ bảy, 02/12/2023, 17:02 PM

Chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm 2023, thế nhưng đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm là 14 - 15%. Điều này cho thấy, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế hiện vẫn còn yếu.

Nới room tín dụng, tìm “cửa” cho vay

Theo văn bản mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 1/12, ngân hàng nào dùng hết 80% chỉ tiêu sẽ được tăng hạn mức, đồng thời ưu tiên thêm cho những tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.

Mặc dù các ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất cho vay nhưng việc tìm khách hàng đủ điều kiện cho vay lại không dễ.

Mặc dù các ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất cho vay nhưng việc tìm khách hàng đủ điều kiện cho vay lại không dễ.

Văn bản này nhằm thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại chỉ thị ngay từ đầu năm, NHNN xác định mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15% và được linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đến tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với tổng mức tăng trưởng 14,5%.

Tuy nhiên, 11 tháng qua cho thấy, tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu nên đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.

Cụ thể, theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng trong quý 4/2023 của NHNN, tỷ lệ TCTD nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng tuy có cải thiện trong quý 3 nhưng vẫn thấp hơn so với quý 2, vì thế khả năng quý 4 sẽ thấp hơn với mục tiêu của NHNN đặt ra, nhưng kỳ vọng có thể đạt được 12 - 12,5%.  Do đó, việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.

Trước đó, để đẩy mạnh vốn vay, các ngân hàng đã ráo riết tìm khách hàng đủ tiêu chí có thể đáp ứng vốn. Cụ thể, trung tuần tháng 11 vừa qua, Ngân hàng MSB đã điều chỉnh lãi suất cho vay. Đây là lần thứ 5 trong năm MSB điều chỉnh giảm lãi suất và tập trung chủ yếu là khách hàng cá nhân. Theo đó, khách hàng vay thế chấp mua nhà, sửa chữa nhà, trang thiết bị gia đình, du học… sẽ được vay với lãi suất chỉ từ 6,8%/năm, cố định 12 tháng.

Trong khi đó, Ngân hàng SHB thực hiện chương trình giảm lãi suất tới 2%/năm và cho vay đến hết năm 2023 đối với khách hàng hiện hữu, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Trong đó, với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dự án xanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa; khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh sẽ được SHB ưu tiên cho vay.

Tương tự, đầu tháng 11 vừa qua, Ngân hàng BIDV cũng giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh, tiêu dùng với lãi suất từ 5,4%/năm đối với khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 6,4%/năm cho kỳ hạn 6 -12 tháng. Riêng lãi suất cho vay tiêu dùng, BIDV áp dụng chỉ từ 6,5%/năm.

Khó đạt mục tiêu 14 - 15%

Mặc dù các TCTD đã nỗ lực hạ lãi suất, tìm khách hàng cho vay nhưng do nền kinh tế thế giới và trong nước đều khó khăn chung nên đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn tín dụng. Nhiều ngân hàng cho biết, câu chuyện tín dụng tăng chậm đã được các ngân hàng dự báo từ đầu năm 2023 nên không có gì bất ngờ. Tuy nhiên, trong quý 3/2023, tín dụng tăng trưởng có nhiều khả quan nhưng đến đầu quý 4, tốc độ đã chậm lại.

Việc hấp thụ tín dụng thấp còn đến từ sự

Việc hấp thụ tín dụng thấp còn đến từ sự "tắc nghẽn" của thị trường bất động sản.

Một cán bộ tín dụng ngân hàng chia sẻ, để tìm khách hàng cho vay, các ngân hàng đã phải cạnh tranh nhau rất nhiều, thậm chí hạ lãi suất ưu đãi vì khách hàng đủ tiêu chí cho vay hiện nay không nhiều, trong khi đó nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vay với lãi suất cao nhưng không ngân hàng nào dám làm hồ sơ vay vì chưa đủ kiện.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, hệ thống ngân hàng khó để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, điều này đồng nghĩa các thành viên trong hệ thống cũng khó hoàn thành chỉ tiêu được giao, trừ khi những khoản vay lớn được phê duyệt cấp tập trong những ngày cuối năm”.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới mới đây, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam vẫn chậm, với mức tăng trong tháng 10 chỉ đạt 9,3% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra cho cả năm và trước đại dịch COVID-19. Sự suy yếu kéo dài của khu vực đầu tư tư nhân và niềm tin của nhà đầu tư là yếu tố chính khiến tín dụng tăng trưởng chậm.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho rằng tín dụng cuối năm tăng trưởng chậm là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng nền kinh tế (GDP) chỉ có khả năng tăng 4,7% thì NHNN phải tính lại mục tiêu tăng trưởng tín dụng, cụ thể nên hạ xuống còn 11 - 12% là phù hợp.

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Hà My, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong định hướng của Chính phủ, năm 2024 phấn đấu mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, cao hơn mục tiêu năm 2023 đề ra. Điều này cho thấy, Chính phủ đang rất kỳ vọng sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế do mặt bằng lãi suất đã giảm nhiều, là điều kiện cần và đủ cho sự phục hồi mạnh hơn của hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các TCTD tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu. Tính đến cuối tháng 11/2023, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,98% tổng dư nợ. Với những con số này, các ngân hàng kỳ vọng năm 2024 sẽ lạc quan hơn.

Theo baotintuc.vn

largeer