"Kể tội" thuế, hải quan
Cách quản lý của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan đã đẩy khó khăn, thiệt hại về phía doanh nghiệp
Tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp (DN) về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 tổ chức ở TP HCM sáng 30-11, nhiều vướng mắc trong hoạt động quản lý gây ảnh hưởng đến DN đã được nêu ra.
Kiểm toán làm khó doanh nghiệp
Ông Trần Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, đánh giá từ khi có Chỉ thị 20 của Chính phủ chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, về cơ bản, cơ quan thuế địa phương và bộ, ngành đã thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, nhiều DN bức xúc với công tác của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Ông Phương dẫn chứng: "Công ty tôi đã cổ phần hóa (CPH) từ 2006, nay đã là công ty đại chúng 100% vốn tư nhân. Suốt 10 năm sau khi CPH, KTNN không đặt vấn đề đối chiếu thuế nhưng liên tục 3 năm gần đây đều thực hiện đối chiếu số liệu với cơ quan thuế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Có nội dung phía thanh tra đã kết luận rồi nhưng KTNN vẫn làm, nhiều nội dung kiểm toán năm trước làm rồi nhưng năm sau lại làm tiếp".
Cũng theo phản ánh của ông Phương, hiện KTNN đang kiểm toán chuyên đề vấn đề đất đai của DN CPH. Tuy nhiên, Đường Quảng Ngãi đã CPH được gần 13 năm nên một số hồ sơ, chứng từ đã hủy sau 5-10 năm theo Luật Kế toán, nhiều lãnh đạo đã nghỉ hưu. "Nếu kiểm toán từ 2006 thì chúng tôi không biết chứng minh thế nào" - ông nói và kiến nghị chỉ nên kiểm toán với những DN CPH gần đây.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn ghi nhận ý kiến của DN về những "phiền hà" trong công tác kiểm toán. Theo ông Tuấn, Bộ Tài chính cũng như các cơ quan thuế về cơ bản thực hiện đúng Chỉ thị 20 của Thủ tướng về chấn chỉnh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Trong đó, nguyên tắc là ưu tiên kế hoạch của Thanh tra Chính phủ (TTCP), KTNN theo hướng nếu các cơ quan này đã có kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì cơ quan thuế sẽ không thực hiện kế hoạch khác. "Đối với việc thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), chúng tôi đã đề xuất nội dung quy định phối hợp với các cơ quan liên quan như TTCP, KTNN" - ông Cao Anh Tuấn nói thêm.
Quy định một đằng, làm một nẻo
Tại buổi đối thoại, đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương nêu tình huống DN bị truy thu phần thuế xuất khẩu tại chỗ đã được miễn, hoàn trước đây và kiến nghị không truy thu đối với những tờ khai hoàn thuế đã được thực hiện. Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, nhiều DN đang đứng trước nguy cơ phải đóng thuế đến hàng trăm tỉ đồng và bị ảnh hưởng lớn bởi đã ký hợp đồng với khách hàng nên không thể tăng giá.
Giải thích việc truy thu này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết có tình trạng DN lợi dụng luật để hưởng lợi. Do đó, cơ quan quản lý đã rà soát các quy định pháp luật liên quan và sắp tới sẽ sửa đổi Nghị định 134 hướng dẫn Luật Thuế Xuất nhập khẩu theo hướng dẫn rõ xuất khẩu tại chỗ cũng là hình thức xuất khẩu.
Ông Trần Minh Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiết bị Mê Kông, kể công ty ông nhập máy kéo dùng trong nông nghiệp, theo quy định là không xác định thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tuy nhiên, chi cục hải quan yêu cầu DN tạm nộp thuế GTGT. "Thực chất trước giờ vẫn áp dụng 0% nhưng "thà bắn nhầm hơn bỏ sót", "cứ thu đã". Chúng tôi "chạy" rất mệt nhọc để có giấy xác định đây là máy cày dùng trong nông nghiệp thì mới được cho thông quan" - ông Trí giãi bày.
Chưa hết, với lô hàng nhập 15 máy cày dùng cho nông nghiệp, công ty này chỉ được thông quan 11 chiếc, còn 4 chiếc bị ách lại do không bảo đảm quy định. Cơ quan thuế cũng không tịch thu 4 chiếc này với lý do "chưa có chỗ để đem máy về"! Việc này dẫn đến chưa hoàn thiện được hồ sơ để sớm hoàn lại tiền cho DN.
Vướng mắc của Công ty TNHH MTV Thiết bị Mê Kông đã được Cục Hải quan TP HCM ghi nhận và bố trí làm việc để trực tiếp tháo gỡ ngay trong chiều cùng ngày.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM Nguyễn Hữu Nghiệp chỉ đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 giải quyết dứt điểm việc áp hàng vi phạm về kho tang vật và hoàn thuế nhập khẩu theo quy định cho DN. Về phía cục sẽ có văn bản gửi Tổng cục Hải quan báo cáo vướng mắc đối với mặt hàng máy kéo dùng trong nông nghiệp, đề xuất căn cứ trên cam kết của DN về mục đích sử dụng máy kéo nông nghiệp để có chính sách phù hợp.
Ưu đãi thuế không thật sự hiệu quả
Tại hội thảo "Đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng cùng ngày, TS Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư - CIEM, nêu 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư, trong đó có ưu đãi thuế. Có hơn 300 loại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi thuế với các hình thức khác nhau. Ông Thắng đánh giá ưu đãi thuế hiện khá rộng, không thực sự hiệu quả, có nguy cơ trở thành kẽ hở để DN lợi dụng trốn thuế và tạo ra gánh nặng cho ngân sách.
Theo PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính - Bộ Tài chính), cần tính toán chi phí ngân sách với miễn giảm thuế; rà soát hệ thống pháp luật về ưu đãi thuế để bảo đảm tính nhất quán, tránh xé rào ưu đãi thuế của địa phương. Đồng thời, nghiên cứu giảm việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế.
T.Dương
Thùy Dương - Sơn Nhung
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội