JICA cam kết hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau Covid-19
Trưởng đại diện JICA cho biết, các hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thời gian tới sẽ đi theo “mục tiêu kép”.
Chia sẻ tại họp báo ngày 21/10 về hoạt động của JICA Việt Nam trong năm tài khoá 2021, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện cơ quan này nói: "Chính phủ Việt Nam chủ trương cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế, các hợp tác của JICA cũng được tiến hành phù hợp với điều này".
Theo đó, JICA sẽ tiếp tục triển khai những dự án hợp tác tập trung vào lĩnh vực y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Về y tế, JICA đang tập trung vào 2 ưu tiên trọng điểm gồm tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho các bệnh viện tuyến trên; và tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Tổ chức này đã hỗ trợ cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các bệnh viện. Tổng số tiền viện trợ của các dự án ước tính khoảng 163 tỷ đồng.
Thứ hai về kinh tế, ông Shimizu Akira nhấn mạnh, cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Theo đó, bên cạnh các dự án công trình cửa ngõ quốc tế như Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cảng quốc tế Lạch Huyện, JICA cũng triển khai các dự án tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương, như cải tạo, xây dựng lại nhiều cây cầu yếu trên các tuyến quốc lộ thuộc nhiều tỉnh thành, như cầu trên tuyến đường sắt Bắc Nam, cầu Kẻ Nậm ở tỉnh Nghệ An gần biên giới Việt Nam – Lào...
"Khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản", ông Shimizu Akira cho biết. Các dự án khi hoàn thành sẽ giúp tăng cường kết nối ASEAN, chuỗi cung ứng hàng hóa và giúp người dân đi lại thuận tiện, và cũng tạo điều kiện cho các nhà máy nước ngoài đầu tư vào các địa phương.
Ngoài ra, để đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số tại Việt Nam, JICA đã và đang triển khai các dự án như nhà máy điện, đường cao tốc lớn ở các đô thị vệ tinh, nhà máy xử lý nước... Hiện các hợp tác của Nhật Bản đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng điện của Việt Nam.
Về phát triển nhân lực, JICA hiện cũng có nhiều chương trình hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Theo ông Shimizu Akira, từ những năm 1990 khi các dự án bắt đầu triển khai, đến nay đã có 27.000 người tham gia đào tạo.
Nói thêm, ông Shimizu Akira cũng cho biết, nhằm giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, JICA cũng đang nghiên cứu các chương trình hợp tác hỗ trợ tài chính trong thời gian tới.
Trong tài khóa 2020 từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, số tiền cam kết cho Việt Nam vay của JICA là 49,4 tỷ yen (khoảng 10.041 tỷ đồng), hợp tác kỹ thuật không hoàn lại là 4,3 tỷ yen (khoảng 874 tỷ đồng) và viện trợ không hoàn lại là 2,1 tỷ yen (khoảng 427 tỷ đồng). Tổng cộng có khoảng 100 dự án lớn nhỏ.
Theo đại diện JICA, điều đặc biệt là trong hai năm trước đó, cơ quan này không ký kết hiệp định vốn vay ODA nào do Việt Nam chủ trương hạn chế vay nợ nước ngoài. Trong năm tài khóa 2020, việc ký kết được 2 hiệp định vốn vay mới được coi là một tín hiệu đáng khích lệ cho những hợp tác tiếp theo.
Đức Minh
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở