HTX cần làm gì để đưa trái cây sang Hoa Kỳ?
Hoa Kỳ là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho trái cây của Việt Nam. Tuy nhiên, để chinh phục thị trường nổi tiếng “khó tính” nằm bên kia bờ đại dương, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp cần vượt qua rất nhiều bài kiểm tra, trong đó chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết đến nay, Việt Nam đã xuất thành công (chính ngạch) 6 loại quả là thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ.
Sức cạnh tranh chưa mạnh
Từ cách đây 4 năm, trái vải tươi của Việt Nam đã được Hoa Kỳ chấp thuận. Nhưng đến nay, sản lượng vải tươi xuất khẩu vào thị trường này còn khá khiêm tốn. Sau 2 năm tập trung vào thị trường Nhật Bản, năm 2022, nhiều HTX, doanh nghiệp, vùng trồng vải đang đẩy mạnh vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dù đang có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên khả năng cạnh tranh vẫn là bài toán khó với các HTX, doanh nghiệp. Trong đó, giá cả quá cao là một trong những điểm yếu lớn nhất.
Đơn cử, sau khi thông quan tại sân bay Los Angeles, vải thiều Việt Nam có mức giá 450.000 đồng/kg, trong khi vải Mexico hiện đang được giao buôn với giá 200.000 đồng/kg, còn vải Trung Quốc hiện đang được chào bán với giá 140.000 đồng/ kg.
Theo các chuyên gia, giá hoa quả Việt Nam cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại cơ bản là do chi phí vận chuyển. Theo ước tính, cước phí vận chuyển bằng đường hàng không hiện chiếm từ 70 - 80% giá thành 1kg vải tươi của Việt Nam khi sang tới Hoa Kỳ.
Riêng với trái vải và các loại hoa quả trồng ở miền Bắc còn phải chịu thêm chi phí vận chuyển vào miền Nam để chiếu xạ theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ. Ngoài ra, chúng ta vẫn còn có những hạn chế trong hoạt động quảng bá và giới thiệu loại sản phẩm này.
Để xuất khẩu trái cây sang Hoa Kỳ, chất lượng và quy trình sản xuất sạch là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Bên cạnh khả năng cạnh tranh, yêu cầu về chất lượng cũng là thách thức với các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân (Bắc Giang) chia sẻ muốn xuất khẩu thì chất lượng là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất.
“Ở quy trình truyền thống, bà con nông dân sản xuất theo quy trình tự nhiên, thậm chí không theo quy trình nào. Còn hiện nay, khi xuất khẩu vào thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, người nông dân phải tuân theo quy định bên nhập khẩu, bên cạnh các quy trình như VietGAP, GlobalGAP”, ông Dũng nói.
Không chỉ với quả vải, các mặt hàng trái cây khác của Việt Nam khi xuất khẩu cũng đối diện với nhiều thách thức về tiêu chuẩn chất lượng. Điển hình như với trái bưởi da xanh, dự kiến xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ từ tháng 9/2022.
Được biết, muốn xuất khẩu bưởi da xanh qua Hoa Kỳ theo đường chính ngạch, sản phẩm này phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn được phía Hoa Kỳ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Hoa Kỳ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Chuyển từ “lượng” sang “chất”
Trước các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường Hoa Kỳ, phía doanh nghiệp xuất khẩu đã tổ chức liên kết, phối hợp với 5 HTX sản xuất bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre để bảo đảm vùng nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm để phục vụ xuất khẩu.
Một trong những HTX đầu tàu đang liên kết với Công ty Chánh Thu là HTX Bưởi da xanh Bến Tre. Hiện, HTX đang có hơn 100 ha bưởi được thành viên tuân thủ nghiêm túc các quy tắc trong sản xuất bưởi da xanh đạt chuẩn và sẵn sàng cùng Công ty Chánh Thu xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ. Dự kiến, sản lượng bưởi của HTX lên đến 65 tấn mỗi tháng. Bưởi sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, đóng gói ngay tại khu phức hợp đa chức năng của HTX.
Qua những diễn biến thực tế, các chuyên gia nhận định, để gia tăng sản lượng hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, điều quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo chất lượng, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Và muốn làm được thì không còn cách nào khác là phải thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học, công nghệ mới, làm ra những mặt hàng xanh, sạch, chất lượng cao.
Thứ hai, và cũng là điều cấp bách cần phải làm ngay, là phải có giải pháp để giảm thiểu cước phí vận chuyển và đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển. Điều này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ, chia sẻ thông tin và lợi ích giữa người trồng, nhà xuất khẩu, các hãng vận tải và cả nhà nhập khẩu.
Thứ ba là tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng mạng lưới tiêu thụ vượt ra khỏi các địa bàn truyền thống. Đây cũng là một trong vấn đề nan giải mà các HTX, doanh nghiệp cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng để xúc tiến, đẩy mạnh.
Cùng với đó, việc kết nối với những đầu mối tại Hoa Kỳ cũng là điều tối quan trọng. Hiện, ở Hoa Kỳ có không ít doanh nghiệp có chủ là người gốc Việt có năng lực và mạng lưới phân phối lớn, bao gồm cả các siêu thị dòng chính. Các doanh nghiệp này hoạt động ở rất nhiều tiểu bang, nhất là những nơi có đông người Việt sinh sống như là California, Oregon hay Texas...
Đây là những đầu mối mà các doanh nghiệp Việt Nam cần và có thể kết nối thông qua các hiệp hội doanh nhân, các cơ quan ngoại giao, lãnh sự hay thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ để trái cây Việt Nam được biết đến và bán được tại thị trường đầy tiềm năng này.
Nhật Minh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội