Học phí đại học cao sẽ có chất lượng cao?

Thứ sáu, 26/05/2023, 10:55 AM

Ở trường đại học công lập, có những ngành thu học phí lên đến hàng trăm triệu đồng với tên gọi “chất lượng cao”.

Nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố dự kiến mức tăng học phí mới cho năm học 2023-2024. Đáng chú ý, trong đó các chương trình chất lượng cao, tiên tiến ngày càng nhiều và học phí ở mức cao, có ngành lên đến hàng trăm triệu đồng/năm học.

Học phí cao ngất ngưởng

Cụ thể như tại Trường ĐH Luật TP.HCM, theo lộ trình đề án trường đã công bố, học phí dự kiến áp dụng trong năm học này khoảng 31,25-165 triệu đồng. Tuy nhiên, do thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về không tăng học phí nên năm học này trường chưa áp dụng mức mới mà dự kiến sẽ áp dụng từ năm học tới.

Trong đó, ở chương trình chất lượng cao, ngành có mức học phí cao nhất là ngành luật, giảng dạy bằng tiếng Anh với 165 triệu đồng/năm học.

Theo thông tin từ phía trường, chương trình này bắt đầu tuyển sinh và giảng dạy từ năm 2021. Với mức học phí này, sinh viên (SV) được học với cả giảng viên nước ngoài hoặc giảng viên của trường nhưng có chuyên môn cao, phòng học hiện đại, sĩ số 40-60 em/lớp...

Trong bốn năm học, SV phải học, thi, kiểm tra và nghiên cứu các môn học, nhất là các môn chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngoài khối kiến thức cơ bản và pháp luật của Việt Nam, SV được giảng dạy về pháp luật của các nước có hệ thống pháp luật phát triển trên thế giới như Anh, Mỹ…

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ thực hành.  Ảnh: THY HUYỀN

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ thực hành. Ảnh: THY HUYỀN

Còn với Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), trường dự kiến học phí năm học tới là 13-60 triệu đồng. Trong đó, nhóm ngành thuộc chương trình chất lượng cao có học phí cao nhất với 1.950.000 đồng/tín chỉ, tức khoảng 60 triệu đồng/năm học.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), dự kiến mức học phí trung bình ở năm học tới là 30 triệu đồng đối với SV hệ đại trà. Còn chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và tiên tiến có học phí 80 triệu đồng/năm học.

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), dự kiến chương trình đào tạo bằng tiếng Việt có học phí 25,9 triệu đồng/năm học, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh là 51 triệu đồng/năm học.

Học phí cao nhưng chưa đủ

Ở các trường ĐH, chương trình chất lượng cao hay tiên tiến được ví như dành cho “con nhà giàu” bởi người học sẽ được ưu ái nhiều điều kiện học tập, nghiên cứu và cả chuẩn đầu ra tốt hơn, nhất là tiếng Anh.

Thế nhưng một số SV đang theo học hoặc những thí sinh chuẩn bị lựa chọn loại hình này không khỏi băn khoăn về chất lượng đào tạo có xứng đáng với học phí đắt đỏ.

Như em PT, SV năm nhất chương trình chất lượng cao của ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ban đầu em chọn chương trình chất lượng cao vì học tại quận 1, lớp chỉ có 31 SV, được học nhiều tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, học phí cam kết tối đa 60 triệu đồng/năm học.

Tuy nhiên, PT cho rằng sau gần một năm học, số tiền em phải đóng đã gần 70 triệu đồng. Việc dạy tiếng Anh còn hạn chế, chỉ tập trung chủ yếu ở môn tiếng Anh nhưng cũng chỉ hướng dẫn cách làm bài. Còn các môn khác đa số học vẫn bằng tiếng Việt, giảng viên chỉ mới dừng lại ở việc trích dẫn một vài từ ngữ bằng tiếng Anh hay chỉ trình chiếu bằng tiếng Anh…

“Em rất hoang mang và đang phân vân có nên dừng lại hay không. Vì mới học một năm mà như vậy thì không biết những năm sau sẽ thế nào. Học phí thì cao, kinh tế nhà em cũng không phải lúc nào cũng ổn định nên em sợ khó để theo học được” - PT bày tỏ.

Về vấn đề này, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đã triển khai chương trình chất lượng cao từ nhiều năm nay. Những khóa trước thu 36 triệu đồng/năm học vì còn được hỗ trợ từ Nhà nước. Nhưng từ năm học này, trường đã tự chủ nên thu lên 60 triệu đồng/năm học. Đây là mức nhà trường đã cân nhắc, tính toán tất cả chi phí. “Nếu tính đầy đủ, chi phí trường bỏ ra để đào tạo cho một SV còn nhiều hơn mức thu đó. Còn về chương trình tiếng Anh, ở năm nhất, việc tiếp cận tiếng Anh còn hạn chế vì chủ yếu học đại cương. Từ năm hai trở đi, SV sẽ được học tiếng Anh nhiều hơn” - TS Hạ lý giải.

Còn tại Trường ĐH Bách khoa, nói về mức học phí 80 triệu đồng/năm học ở chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và tiên tiến, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cũng cho rằng mức học phí này chưa đủ để bù chi phí trường đào tạo.

Vì trường tính ở năm 2020, chi phí đào tạo cho một SV chương trình tiếng Việt là hơn 65 triệu đồng/năm học, đối với SV chương trình quốc tế như chất lượng cao hay tiên tiến là hơn 100 triệu đồng/năm học nhưng học phí khoảng 60 triệu đồng/năm học. Tuy nhiên, trường được lợi thế Nhà nước hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm, có những mối cộng tác của trường, nguồn thu từ các dự án… nên SV có điều kiện học tốt hơn.

Với mức học phí hiện tại, SV được học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Một số môn học do giáo sư nước ngoài giảng dạy, SV có cơ hội đi trao đổi tại nước ngoài hằng năm, tham gia nhiều hoạt động tăng cường về nghiên cứu khoa học, điều kiện học hiện đại (như phòng máy lạnh, 40-60 em/lớp…).

Quy định về cơ chế thu học phí

Theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí, từ năm học 2023-2024 này, mức trần học phí đối với các trường ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 13,5-27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng), tùy từng khối ngành.

Trong đó, khối ngành y dược có mức trần học phí cao nhất là 27,6 triệu đồng/năm học, kế đến là nhóm ngành sức khỏe khác. Thấp nhất là nhóm ngành nghệ thuật với 13,5 triệu đồng/năm học.

Với các trường ĐH bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên, khoảng 27-55,2 triệu đồng/năm học.

Những trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần, tương đương 33,75-69 triệu đồng/năm học.

Đối với chương trình đào tạo đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định hoặc đạt mức kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục ĐH công lập được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

PHẠM ANH

Theo plo.vn