Hoàn thành kết luận thanh tra dự án khu đô thị Thủ Thiêm
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 30/8, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam thông tin về tiến độ thanh tra đất đai ở Thủ Thiêm (TPHCM).
Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ, cuộc thanh tra về đất đai tại Khu đô thị Thủ Thiêm đã được Thanh tra Chính phủ kết thúc vào ngày 11/7, trên cơ sở đã lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành chức năng có liên quan và UBND TPHCM.
"Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về đất đai tại Khu đô thị Thủ Thiêm và đang tiến hành các thủ tục để trong nửa đầu tháng 9 sẽ công khai đến báo chí, thông tin đầy đủ kết luận thanh tra” - Phó Tổng Thanh tra cho biết.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 367/TTg năm 1996. Dự án này đã điều chỉnh quy hoạch. Dự án này có diện tích đất thu hồi rất lớn liên quan đến hàng ngàn hộ dân.
Với nỗ lực của TPHCM và sự ủng hộ tích cực của người dân, công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã đạt 99%.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan có các sai sót về quản lý đất đai, quy hoạch, lưu trữ hồ sơ, giải quyết khiếu nại… dẫn đến người dân khiếu kiện bức xúc kéo dài.
Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tiến hành rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7/2018.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp và UBND TPHCM có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong quá trình rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại.
Cũng liên quan đến vụ việc này, người đứng đầu Chính phủ cũng đã yêu cầu, việc giải quyết phải đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Phải nhìn thẳng sự thật, việc gì đúng thì tiếp tục giải thích, thuyết phục; việc gì sai thì cương quyết sửa chữa, tất cả vì mục tiêu phát triển của TP, vì cuộc sống của người dân. Quá trình giải quyết phải kiểm tra làm rõ các tình tiết vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, lắng nghe ý kiến của người dân, trao đổi thống nhất tạo đồng thuận về hướng giải quyết.
Nếu có thiếu sót thì phải khắc phục; phải xác định rõ thời gian, lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc. Trường hợp người dân khiếu nại gặp khó khăn, cần xem xét vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
P.Thảo
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội