Hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam được Ủy ban Châu Âu công nhận

Thứ bảy, 14/05/2022, 09:15 AM

EU đã chấp nhận chứng chỉ Covid-19 của Việt Nam với các điều kiện tương tự như chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 của EU. Như vậy, từ 12/5, hộ chiếu vaccine của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ…

vaccine3

Theo thông tin được phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cung cấp tại họp báo thường kỳ chiều 12/5, tính đến nay Việt Nam đã ký được với 20 nước về công nhận lẫn nhau đối với hộ chiến vaccine, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran, Malaysia và Cộng hòa Dominica.

Bên cạnh đó, ngày 11/5, Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu thi hành quyết định công nhận hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam. Theo đó, hộ chiếu vaccine của Việt Nam sẽ được 27 nước trong Liên minh châu Âu công nhận. Đồng thời, mã QR của hộ chiếu này cũng có thể được xác thực, kiểm tra trên lãnh thổ của 39 đối tác tham gia hệ thống hộ chiếu vaccine điện tử của EU. Như vậy, đến nay, hộ chiếu vaccine của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

"Đây là kết quả nỗ lực phối hợp trao đổi giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, cũng như việc đàm phán với các nước đối tác," phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh. Với động thái mới nhất này, Ủy ban Châu Âu (EC) đã thông qua 3 quyết định xác nhận rằng chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 do Việt Nam, Indonesia và Seychelles cấp tương đương với chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 của Liên minh Châu Âu (EU). Ngoài ra, 3 quốc gia này cũng đã đồng ý chấp nhận chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 của EU cấp cho công dân EU khi đến các nước này.

vaccine1

Ngày 11/5, Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu thi hành quyết định công nhận hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam.

Theo Ủy viên Châu Âu phụ trách tư pháp, Didier Reynders, với sự gia nhập của Việt Nam, Indonesia và Seychelles, số quốc gia và vùng lãnh thổ kết nối với hệ thống chứng chỉ kỹ thuật số của EU được tăng lên 67. Như vậy, vào mùa hè này, chứng chỉ của EU sẽ tạo điều kiện cho người dân châu Âu dễ dàng đi lại trong EU và tại nhiều quốc gia khác.

Việc cấp giấy chứng nhận vaccine này cũng được xem như một cú hích giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi đồng bộ hơn, không chỉ là du lịch nội địa, mà còn là phục hồi thị trường du lịch outbound - một thị trường tiềm năng được kỳ vọng là sẽ phục hồi nhanh chóng. Để có thể hội nhập du lịch quốc tế nhanh chóng hơn, các chuyên gia cũng kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam đàm phán thêm với nhiều quốc gia để hộ chiếu vaccine được công nhận tại nhiều quốc gia hơn trong thời gian tới. Phát triển đồng thời du lịch outbound và inbound cũng là cách để đưa du lịch Việt Nam đến gần hơn với khách quốc tế, thúc đẩy tốc độ hồi phục của ngành này.

 Gần đây, nhiều nước châu Âu cũng đã đã nới lỏng các hạn chế do Covid-19. Trong đó, Hy Lạp và Italy đã bỏ yêu cầu về bằng chứng tiêm chủng, cùng các quy tắc khác, trong khi các điểm đến lân cận như Vương quốc Anh và Na Uy đã bỏ hoàn toàn các quy định về giới hạn đi lại trong đại dịch.

Theo thông báo vào thứ tư của Cơ quan An toàn Hàng Không EU (EASA) và Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh EU (ECDC), quy định đeo khẩu trang trên các chuyến bay ở các nước thành viên sẽ được dỡ bỏ từ thứ hai tuần tới (tức ngày 16/5). Ông Patrick Ky, Giám đốc điều hành EASA, cho biết: "Từ tuần sau, việc đeo khẩu trang sẽ không còn là bắt buộc đối với hàng không trong mọi trường hợp, tuân thủ những thay đổi trong quy định về giao thông công cộng của các nước EU. Với các hành khách và phi hành đoàn, đây là một bước tiến lớn đến việc bình thường hóa di chuyển bằng đường hàng không".

vaccine2

Phát triển đồng thời du lịch outbound và inbound cũng là cách để đưa du lịch Việt Nam đến gần hơn với khách quốc tế, thúc đẩy tốc độ hồi phục của ngành này.

Cơ quan này cho biết quy định cập nhật đã cân nhắc tỷ lệ tiêm vaccine, mức miễn dịch tự nhiên của cộng đồng và sự nới lỏng các quy định ứng phó đại dịch ở nhiều nước châu Âu. Quy định đeo khẩu trang sẽ tiếp tục thay đổi theo từng hãng hàng không, và nên được khuyến khích trên các chuyến bay từ hay đến nơi có quy định này đối với giao thông công cộng.

"Những nguy cơ vẫn còn, nhưng chúng tôi thấy các biện pháp phòng chống và vaccine đã cho phép cuộc sống dần trở lại bình thường. Việc đeo khẩu trang trong mọi trường hợp không còn bắt buộc, nhưng cũng nên biết rằng, cùng với giữ khoảng cách và vệ sinh tay, đây là một trong những biện pháp tốt nhất để giảm lây nhiễm", bà Andrea Ammon, Giám đốc ECDC, cho biết.

Theo vneconomy.vn