HDBank là ngân hàng trả lương nhân viên thấp nhất
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDB) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất chưa kiểm toán đạt 2.417 tỷ đồng, tăng 110,59%.
Trong đó, Công ty cho thuê tài chính HD Saison đóng góp 520 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 17,84% so với năm 2016 và chiếm 22% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
Theo báo cáo, năm 2017 Cho vay khách hàng hợp nhất của HDBank tăng 27,08%, đạt 104,50 nghìn tỷ đồng. Trong đó HDBank đạt tăng trưởng tín dụng 28,08%, tương đương 95,05 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng cho vay khách hàng của HD Saison là 17,30% đạt 9,45 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng hợp nhất tăng trưởng 16,69%, đạt 120,53 nghìn tỷ đồng.
Do HDBank và HD Saison tích cực mở rộng mạng lưới, phí hoạt động hợp nhất tăng 24,92% lên 4.093 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2017, HDBank có 240 chi nhánh (tăng 8,5%) và 5.246 nhân viên (tăng 18,83%). Trong khi đó HD Saison có 11.502 điểm giao dịch (tăng 53,05%) và 8.461 nhân viên (tăng 26,81%).
Cơ cấu chi phí hoạt động (hợp nhất) như sau: Chi phí nhân viên tăng 36,58% lên 2.003 tỷ đồng do tổng số lượng nhân viên tăng 23,63% lên 13.725 người. Theo đó, lương bình quân/người/tháng là 11,42 triệu đồng (năm 2016 là 10,18 triệu đồng). Lương bình quân của HDBank so với với các ngân hàng khác thấp do nhân viên của công ty tài chính tiêu dùng thường có lương cứng thấp và hoa hồng cao. Riêng ở HDBank, lương bình quân/người/tháng là 15,76 triệu đồng (năm 2016 là 14,18 triệu đồng). So với mặt bằng chung, HDBank là ngân hàng có mức lương thấp nhất trong ngành.
Theo tính toán, Vietcombank trả lương thưởng mỗi nhân viên bình quân là 32,3 triệu đồng một tháng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV bình quân mỗi nhân viên nhận 29,2 triệu đồng một tháng. Bình quân mỗi người lao động tại MB được trả 25,9 triệu đồng. VIB có thu nhập bình quân 20,3 triệu đồng. Sacombank, LienVietPostBank, TPBank, BacABank, VPBank nhận trung bình lần lượt 16,6-19,6 triệu đồng một tháng.
Chi phí dự phòng chỉ tăng 2,33% lên 1.016 tỷ đồng, sau 3 năm tái cơ cấu, HDBank đã xử lý hầu hết tài sản xấu sau khi sáp nhập DaiAbank vào năm 2013 và chi phí dự phòng đã bắt đầu giảm kể từ năm 2016. Theo HDBank, tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới trong năm 2017 chỉ là 0,9% (năm 2016 là 0,8% và năm 2013 là 4%). Trong đó: 420 tỷ đồng là chi phí dự phòng tại HDBank, giảm 30,87% so với năm trước; 596 tỷ đồng là chi phí dự phòng tại HD Saison, tăng 54,72% so với năm trước.
HDBank có 1.839 tỷ đồng trái phiếu VAMC (theo mệnh giá) và đã trích lập lũy kế được 873 tỷ đồng tính tại thời điểm cuối năm 2017. Theo đó giá trị trái phiếu VAMC chưa trích lập là 965 tỷ đồng, bằng 0,92% tổng dư nợ cho vay của HDBank tại thời điểm cuối năm 2017.
Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất sau khi xóa nợ ở mức rất thấp là 1,52%; ở riêng Ngân hàng mẹ HDBank thì tỷ lệ này là 1,1%.
Tại HDBank, trong năm 2017 có 259 tỷ đồng nợ xấu mới phát sinh, cụ thể: Nợ nhóm 3 tăng 45,32% lên 309 tỷ đồng, bằng 0,33% tổng dư nợ. Nợ nhóm 4 tăng 0,57% lên 216 tỷ đồng, bằng 0,23% tổng dư nợ. Nợ nhóm 5 tăng 45,77% lên 515 tỷ đồng, bằng 0,54% tổng dư nợ.
Tại HD Saison, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 5,74% từ 5,18% năm 2016. Nợ xấu mới phát sinh trong năm 2017 là 124,85 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 tăng 24,97% lên 204 tỷ đồng, bằng 2,17% tổng dư nợ. Nợ nhóm 4 tăng 35,27% lên 332 tỷ đồng, bằng 3,52% tổng dư nợ. Nợ nhóm 5 tăng 35% lên chỉ 5 tỷ đồng, bằng 0,05% tổng dư nợ.
Ngân Giang
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường