Hậu Covid-19, thanh toán số trong ngành F&B tăng vọt
Hơn hai năm dịch Covid-19 hoành hành, ngành F&B (ngành hàng ăn uống) là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, trong “cái khó ló cái khôn” khi một số doanh nghiệp tìm cách tận dụng chuyển đổi số để mở rộng thị phần của mình, giúp người tiêu dùng có trải nghiệm tốt hơn khi mua sắm.
Thanh toán không chạm ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo một khảo sát gần đây của Vietnam Report, trong hai năm 2020 – 2021, có đến 91% doanh nghiệp F&B bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ vào công tác phòng chống dịch hiệu quả từ Nhà nước và các chính sách kích cầu mà qua năm 2022 đã có những tín hiệu khởi sắc.
Cụ thể, theo khảo sát của nền tảng thanh toán Payoo, tính đến hết quí 1-2022, doanh thu ngành F&B tăng gấp rưỡi so với quí 4-2021; tổng số lượng giao dịch tăng 24% so với quý trước.
Đối với mảng thực phẩm và đồ uống, tổ chức nghiên cứu thị trường quốc tế Mordor Intelligence Inc cũng đưa ra con số lạc quan là mức tăng trưởng kép hằng năm (từ 2021 đến 2026) sẽ đạt mức 8,65%. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng đưa ra dự báo kể từ năm 2022, mảng này sẽ có tốc độ tăng trưởng từ 10-12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giữa thời đại công nghệ 4.0, phương thức thanh toán không tiếp xúc (contactless) ngày càng trở nên phổ biến nên doanh nghiệp nào nắm bắt và làm tốt hình thức này thì cơ hội phục hồi và tăng trưởng sẽ mạnh mẽ hơn.
Thật vậy, trong hội thảo về thực phẩm và đồ uống được tổ chức gần đây, hãng thẻ quốc tế Mastercard đã chia sẻ một con số khá thú vị trong một khảo sát ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương rằng có đến 75% những người sinh năm 1981-1996 (thế hệ Y), cho biết họ đã thử các phương thức thanh toán mới trong đại dịch mà như bình thường thì không mấy quan tâm hay trong năm ngoái, có đến 88% số người được khảo sát cho biết đã sử dụng ít nhất một loại hình thanh toán mới nổi.
Tiếp tục, qua số liệu thống kê từ Payoo và các đối tác trong lĩnh vực F&B thì quí 1 năm 2022, thanh toán không tiếp xúc chiếm khoảng 38% trên khối lượng và chiếm 1/3 (33,5%) theo giá trị giao dịch. Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 4, thanh toán không tiếp xúc đang chiếm đến gần 44% tổng khối lượng giao dịch và chiếm gần 40% giá trị giao dịch (so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 27% và 28%).
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) vận hành nền tảng thanh toán Payoo, chia sẻ “Do những giới hạn của đại dịch, người dân đã buộc phải sử dụng các phương thức thanh toán mới, dần dần trở nên yêu thích và hình thành một ‘thói quen số’. Do đó, việc các doanh nghiệp chuyển đổi sang các giải pháp thanh toán số, thanh toán toàn diện không chỉ là bước “đi trước, đón đầu” mà đã là yêu cầu cấp thiết để đa dạng hóa kênh bán hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng và vững vàng đón nhận các thách thức khác trong tương lai”.
Phúc An
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội