Hành lang xanh 10 năm đình trệ, người dân quanh bãi rác Đa Phước thấp thỏm
Đất, nước và không khí có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe hằng ngày, nhưng hàng chục năm nay hơn 700 hộ dân trong vùng quy hoạch hành lang xanh quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (H.Bình Chánh, TP.HCM) vẫn phải gồng mình gánh chịu, dài cổ chờ đợi đền bù, di dời giải tỏa.
Song song với lập quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước), điểm tập kết rác, bùn thải, phân hầm cầu lớn nhất TP.HCM, với công suất tiếp nhận hàng chục ngàn tấn/ ngày, TP.HCM cũng lập quy hoạch hành lang trồng cây xanh cách ly với diện tích hơn 300 ha.
Quy hoạch này nhằm mục đích cách ly khu xử lý chất thải với các khu, cụm dân cư lân cận, cũng như tiết giảm tối đa khả năng phát tán mùi hôi ra các vùng lân cận.
Với tổng diện tích hơn 300 ha, phần đất quy hoạch hành lang xanh hiện có hơn 700 hộ dân sinh sống, thuộc diện phải di dời, giải tỏa để triển khai dự án. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm kể từ thời điểm quy hoạch, việc di dời, giải tỏa vẫn chưa thể thực hiện do nhiều nguyên nhân. Mà theo báo cáo của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh, nguyên nhân chủ yếu là chưa thỏa thuận được giá đền bù, cũng như quỹ tái định cư chưa đảm bảo.
Trong khi đó trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tư (ấp 1, xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, nghe quy hoạch hành lang xanh đã bao nhiêu năm rồi chưa thấy. Chỉ nghe và nghe chứ chưa ai đả động tới.
“Chúng tôi rất muốn đi, muốn chuyển chỗ khác lắm chứ nhưng lại lâm vào tình trạng đi không được ở không xong. Vướng quy hoạch, nhà cửa đất đai không mua bán chuyển nhượng được. Còn ở lại thì cũng chẳng xây cất gì được, nhà xuống cấp chỉ sửa đơn giản chứ không được làm mới. Sống như vậy thì làm sao sống được!”, ông Tư bức xúc.
Bà Trịnh Thị Hương (cùng địa phương) thì nói rõ quan điểm, Thành phố cần có biện pháp, có câu trả lời thỏa đáng cho dân. Đời sống người dân như hiện nay là hết sức bấp bênh. Bà Hương cũng đề cập đến mối nguy hiểm đang rình rập hằng ngày liên quan tới ô nhiễm đất, nước và không khí.
Bà Hương nói: “Không khí thì chúng ta quá rõ, hôi thối không chịu được mà tôi đã nói rất nhiều lần nên không đề cập nữa. Bây giờ nguồn nước cũng rơi vào ô nhiễm trong khi ở đây nước sạch chưa tới. Chúng tôi đang sống chung với lũ, phải nói là như thế. Biết ô nhiễm, biết sức khoẻ yếu đi từng ngày, nguy hiểm kề bên nhưng chẳng đi đâu được vì vướng cái quy hoạch hành lang xanh. Chúng tôi thực sự cần được cứu khỏi nơi này”.
Liên quan tới vấn đề này, làm việc với Thành phố hồi tháng 5, bà Huỳnh Thị Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc VWS nói rõ, theo hợp đồng ký kết giữa VWS với TP.HCM thì Thành phố có trách nhiệm quy hoạch, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và trồng cây xanh cách ly với tổng diện tích trên 300 hecta.
Đăng Kiệt
- Truy tìm mùi hôi “lạ” khu vực Đa Phước: Dân nổi giận vì Sở Tài nguyên - Môi trường hứa suông!
- Mùi hôi ‘lạ” khu vực Đa Phước đang tiếp tục “hành hạ” người dân
- Truy tìm mùi hôi “lạ” xuất hiện quanh khu vực Đa Phước: “Hãi hùng” bồn chứa phân hầm cầu khổng lồ lộ thiên
- Đoàn bác sĩ chuyên khoa II TP.HCM tham quan Đa Phước
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội