Hàng Việt lép vế trên các sàn thương mại điện tử
Chưa đến 20% top mặt hàng được tìm mua trên sàn thương mại điện tử là hàng Việt Nam, theo khảo sát của iPrice.
Báo cáo mới của iPrice vừa cho biết, trong top 1.200 mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Trong khi đó, có đến 83% sản phẩm được quan tâm nhất là hàng ngoại nhập.
Con số này còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021. Tỷ lệ hàng Việt trong top 1.200 bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Tỷ lệ riêng trên các sàn lần lượt là Sendo (25%), theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).
Bước sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng trong nước chỉ còn chiếm 14% trong top bán chạy. Dẫn đầu trong chỉ số này tiếp tục là Tiki (21%) và Sendo (16%).
Việc hai sàn nội Sendo và Tiki xếp cao nhất về lượng hàng Việt trong các sản phẩm bán chạy phần nào cho thấy tính phù hợp cao và sự hỗ trợ tích cực của hai sàn này cho các doanh nghiệp Việt, báo cáo đánh giá.
Tiki là sàn duy nhất trong bốn sàn bắt buộc tất cả người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này phần nào giảm một lượng nhà bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội.
Trong khi đó, Sendo ghi dấu ấn trong năm 2021 với các chương trình Gian Hàng Việt phối hợp cùng Bộ Công Thương và tích cực xúc tiến đưa nông sản các tỉnh trên cả nước lên sàn trong mùa dịch. Sendo gần đây cũng không giấu mong muốn biến sàn này thành địa chỉ kinh doanh trực tuyến của các thương hiệu Việt.
Bình luận về báo cáo này với VnExpress, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo đánh giá trên kinh nghiệm, con số 20% là thực tế. Tuy nhiên, nếu cho rằng hàng Việt "lép vế" do kém chất lượng, do người tiêu dùng không ủng hộ thì ông không đồng ý.
"Lý do thật là bởi doanh nghiệp Việt chưa quan tâm thương mại điện tử đúng mức. Hai năm nỗ lực cùng Bộ Công Thương đưa hàng Việt lên thương mại điện tử, chúng tôi gặp nhiều đơn vị hoàn toàn dựa vào bán lẻ truyền thống, đến khi đứt gãy mới loay hoay lên sàn", ông Dũng cho biết.
Cũng theo iPrice, điểm sáng là hàng Việt chiếm ưu thế cao trong danh mục hàng bách hóa, vốn là ngành hàng "hot" trong mùa dịch. Cụ thể, Sendo có đến 81% sản phẩm thuộc nhà sản xuất trong nước. Con số này ở sàn Tiki là 63%.
Mặt khác, nông sản - đặc sản còn chiếm 27% các sản phẩm bán chạy trên hai sàn nội địa này. "Điều này cho thấy, những mặt hàng này cũng dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn trên môi trường online", nhóm nghiên cứu iPrice nhận định.
Số liệu thu thập thực tế trên Sendo cho biết số mặt hàng nông sản, đặc sản Việt Nam bán trên sàn này tăng vọt 50% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, trong năm 2020, con số này cũng đã tăng 29% so với năm 2019.
Sàn này cũng cho biết số lượng đơn hàng mua nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng đến 45% so với năm ngoái. Một số sự kiện nổi bật bao gồm xúc tiến thành công 100 tấn rau Hải Dương, 100 tấn vải thiều Bắc Giang.
"Rõ ràng, ảnh hưởng của dịch trong hai năm 2020 và 2021 đã vô tình tạo nên những điều kiện kích thích sự phát triển của ngành nông nghiệp trực tuyến về cả cung và cầu", báo cáo nhận định.
Theo iPrice, nông sản đặc sản, bách hóa trên sàn thương mại điện tử đã và đang được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp nước nhà. Thế nhưng, việc chuyển mình thành ngành "gà đẻ trứng vàng" cho thương mại điện tử thành công hay không cần nỗ lực và tạo điều kiện từ nhiều phía, tương tự các chương trình xúc tiến nông sản của Bộ Công Thương các tháng vừa qua.
Viễn Thông
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở