Hàng lậu, hàng giả “đến hẹn lại lên”
Gần Tết Nguyên đán, hàng lậu, hàng giả lại diễn biến phức tạp trên thị trường.
Từ vận chuyển hàng cấm...
Thông thường, vào thời điểm cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng nên lưu lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường cũng tăng cao. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng làm ăn phi pháp đã tăng cường vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm hưởng lợi bất chính, khiến thị trường diễn biến phức tạp. Cũng như cả nước, tại khu vực miền Trung hàng lậu, hàng giả đến hẹn lại lên, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với nhiều mặt hàng khác, dịp cuối năm âm lịch tại khu vực miền Trung tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu lại có dấu hiệu gia tăng. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, trong một thời gian ngắn lực lượng chức năng đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thuốc lá lậu.
Trong đó, có thể kể đến vụ các cơ quan chức năng ở địa phương bắt giữ một ô tô mang BKS Đà Nẵng đang vận chuyển 3.000 bao thuốc lá hiệu 555 lậu. Khám kiểm tra nhà đối tượng vận chuyển, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm một số bao thuốc lá 555 và JET.
Cũng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, mới đây trong lúc tuần tra trên đường Đinh Tiên Hoàng, công an quận Thanh Khê đã phát hiện đối tượng Nguyễn Ngọc Hùng, trú quận Hải Châu điều khiển xe máy BKS 43K3-0554 chở 2 thùng hàng bên trong có 960 gói thuốc lá 555.
Liên quan đến vận chuyển thuốc lá lậu, khi kiểm tra xe ô tô mang BKS 30A-25203 cảnh sát giao thông Quảng Nam đã phát hiện chiếc xe này chở nhiều thuốc lá lậu. Lái xe Nguyễn Khoa Văn và người đi cùng là Lê Xuân Hà, trú Quảng Trị khai nhận số thuốc lá 1.200 cây với 12.000 gói, được vận chuyển từ Đà Nẵng vào Núi Thành (Quảng Nam) để giao cho một đối tượng khác.
Toàn bộ số thuốc lá này không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc. Trước đó, công an Thừa Thiên - Huế cũng đã bắt một ô tô đang vận chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng 20.000 bao thuốc 555 không có hóa đơn để tiêu thụ.
Bên cạnh vận chuyển thuốc lá lậu, mặt hàng pháo lậu cũng đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Điển hình như vụ việc, cảnh sát giao thông phối hợp với cảnh sát kinh tế Quảng Trị đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 268 hộp pháo lậu (gần 300kg) đang được vận chuyển bằng ô tô trên QL 1A. Lái xe Nguyễn Tấn Tân, trú Quảng Bình khai nhận chở số pháo trên từ Quảng Trị ra Quảng Bình để tiêu thụ.
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ công an Quảng Bình bắt giữ xe tải đang vận chuyển hơn 1,3 tấn pháo hoa trái phép. Theo đó, khi dừng kiểm tra xe ô tô tải BKS 89C-088.89 do Nguyễn Đăng Tuấn, trú Hưng Yên điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng địa phương phát hiện trên xe có 46 thùng carton chứa 49.500 que pháo hoa trái phép, với tổng trọng lượng 1.375kg.
Lái xe Nguyễn Đăng Tuấn khai nhận, vận chuyển thuê số pháo này từ ngoài Bắc vào TP. Hồ Chí Minh đến Quảng Bình thì bị bắt giữ... Trước những diễn biến phức tạp trên, nhiều địa phương ở khu vực miền Trung đã mở đợt cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó tập trung chú trọng vào mặt hàng pháo lậu, thuốc lá.
...đến sản xuất hàng giả
Gần đến dịp tết âm lịch, bên cạnh việc vận chuyển các mặt hàng lậu như thuốc lá, pháo, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu... vào dịp này các đối tượng còn liều lĩnh, tăng cường sản xuất các loại hàng giả, hàng nhái rồi tung ra thị trường, kiếm lợi bất chính.
Cũng trên địa bàn TP. Đà Nẵng mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một vụ sản xuất, mua bán các mặt hàng bột ngọt, hạt nêm giả với số lượng lớn. Theo đó, lực lượng cảnh sát kinh tế đã bắt quả tang Phan Thanh Hà và Nguyễn Anh Đức cùng trú tại TP. Đà Nẵng đang điều khiển 2 ô tô tải vận chuyển các loại hàng giả như bột ngọt nhãn hiệu AOne, hạt nêm nhãn hiệu Knorr, hạt dưa Thiên Hương đưa vào Quảng Nam tiêu thụ.
Tại thời điểm Hà và Đức bị bắt quả tang, trên xe các đối tượng có 239 gói hạt nêm Knorr loại gói 900g, 67 gói hạt nêm Knorr loại gói 175g, 33 gói hạt nêm Knorr loại gói 400g, 53 gói hạt nêm Knorr loại gói 55g, 1.419 gói bột ngọt hiệu AOne loại gói 453,6g; 22 gói bột ngọt hiệu AOne loại gói 200g, 200kg hạt dưa giả nhãn hiệu Thiên Hương... với tổng giá trị hơn 30 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng trên đã khai nhận mua bột ngọt Trung Quốc về nhà đóng gói vào bao bì mang nhãn hiệu bột ngọt AOne của Công ty TNHH SaiGon VeWong. Tương tự, mua hạt nêm hiệu Horeca về đóng gói vào bao bì bột nêm Knorr của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam... Sau khi, thay tên đổi họ sản phẩm, các đối tượng đã tung ra thị trường TP. Đà Nẵng và Quảng Nam.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng nhái... lực lượng quản lý thị trường ở khu vực miền Trung đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, kiểm tra hàng hóa, niêm yết giá. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Đà Nẵng thời gian qua Chi cục Quản lý thị trường địa phương đã xử lý hơn 6.700 vụ vi phạm các loại với tổng số tiền thu xử phạt trên 17 tỷ đồng.
Trong đó, có 20 vụ vi phạm về giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, tịch thu gần 15.500 bao thuốc lá hiệu 555 nhập lậu, tiêu hủy 410 chai rượu xâm phạm quyền nhãn hiệu hoặc sản phẩm giả mạo nhãn hiệu...
Mới đây, tại cuộc họp về kế hoạch triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán 2018, ông Nguyễn Nho Trung - Phó chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân. Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương phải tích cực vào cuộc.
Được biết, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đang triển khai thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 từ nay đến ngày 28/2/2018. Trong đó, tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau thời gian diễn ra Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Nghi Anh
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm