Hàng không “sống khỏe” sau cao điểm Hè 2022
Ngành hàng không vừa đi qua cao điểm Hè 2022 với rất nhiều tín hiệu tích cực. Từ giờ đến cao điểm Tết còn khoảng 2 tháng nữa, liệu rằng hàng không có cần một chiến lược kinh doanh phù hợp trong giai đoạn “bão hòa” này?
Nhiều sân bay rơi vào tình trạng quá tải trong cao điểm Hè 2022 vừa qua.
Sân bay quá tải nhưng… vui
Ngành hàng không mỗi năm sẽ có hI mùa cao điểm. Cao điểm Hè thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 và cao điểm cuối năm kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.
Cao điểm Hè 2022 có ý nghĩa rất đặc biệt đối với ngành hàng không. Bởi, đây là cao điểm đầu tiên diễn ra trong điều kiện bình thường mới, khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Sau khoảng hai năm gần như bị “đóng băng” vì dịch bệnh, nhu cầu đi lại của người dân như một chiếc lò xo bị nén chặt được bung ra mạnh mẽ. Điều này giúp cho cao điểm Hè 2022 trở thành một trong những “mùa làm ăn” sôi động nhất của hàng không.
Nhiều cảng hàng không quá tải, những chuyến bay chật kín người, khu du lịch tấp nập du khách lui tới… tất cả đã vẽ lên một bức tranh đời sống sôi động để từ đó tạo nên một niềm tin lớn lao về việc nền kinh tế sẽ sớm được phục hồi sau một khoảng thời gian dài bị dịch bệnh tàn phá.
Riêng với ngành hàng không, mùa Hè 2022 sôi động chính là tín hiệu rõ ràng cho sự trở lại của mình, đồng thời, báo hiệu đà phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới. Như một chuyên gia giao thông nhận xét, một trong những “đặc sản” của hàng không đã chính thức trở lại trong cao điểm Hè 2022, đó chính là tình trạng “delay” (tình trạng chậm, hủy chuyến bay). Tuy nhiên, “delay nhưng mà vui”.
Thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 7/2022, tổng chuyến bay khai thác của các hãng hàng không đạt 33.238 chuyến, tăng 781,2% so với cùng kỳ năm 2021 và 7,9% so với tháng 6/2022. Thị trường hàng không Việt Nam đang ghi nhận tốc độ phục hồi và bứt phá đáng kinh ngạc sau dịch bệnh.
Theo công bố mới nhất của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. IATA cũng dự báo thị trường hàng không thế giới sẽ phục hồi vượt mức trước khi có dịch Covid-19, trong đó, Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, kéo theo tăng trưởng GDP trong bối cảnh những dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ngành hàng không cần tranh thủ thời gian này để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như xây dựng kịch bản ứng phó với tình trạng quá tải trong cao điểm Tết 2023.
Chuẩn bị tốt cho cao điểm Tết 2023
Dù trải qua cao điểm Hè 2022 đầy sôi động, nhưng nhiều ý kiến vẫn bày tỏ lo ngại về thị trường hàng không sẽ “trở lại mặt đất” khi cao điểm đi qua. Thực tế cho thấy, bắt đầu từ tháng 9/2022, số lượng các chuyến bay nội địa đã có dấu hiệu giảm so với trước đó nhưng quan ngại về một thị trường ảm đạm đã không xảy ra.
Theo báo cáo tổng hợp mới đây của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 9/2022 (tính từ 19/8 - 18/9), tổng chuyến bay khai thác của các hãng hàng không là 30.373 chuyến. Trong đó, dẫn đầu số lượng khai thác là Vietjet và Vietnam Airlines Group với lần lượt 12.317 và 10.611 chuyến bay, thứ ba là Bamboo Airways với 4.835 chuyến bay, cuối cùng là các hãng hàng không khác như Vietravel. So sánh với con số 33.238 chuyến bay được khai thác trong tháng 7/2022 (tháng được coi là sôi động nhất của cao điểm Hè) thì số chuyến bay khai thác có giảm nhưng không quá lớn (2.865 chuyến bay).
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh cao điểm Hè 2022 đã qua mà vẫn có tới hơn 30.000 chuyến bay được khai thác là một tín hiệu rất đáng mừng của ngành hàng không. Điều này cho thấy nhu cầu đi lại của người dân đang dần ổn định. Lượng hành khách đi máy bay không còn dựa chủ yếu vào nhu cầu du lịch.
PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhận định, hàng không và du lịch vốn có mối quan hệ khăng khít với nhau. Thực tế, trong du lịch phần lớn đi bằng hàng không. Khi mùa du lịch đã qua mà hàng không vẫn duy trì được thị trường sôi động như hiện này là tín hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy, phân khúc khách hàng đi máy bay có tính ổn định cao và bền vững.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Ngô Trí Long, hiện nay, tiềm năng du lịch hàng không là rất lớn. Do vậy, các hãng hàng không cần tận dụng điều này, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp hơn nữa để thể khai thác hết dư địa của mình để tạo động lực phát triển của ngành trong thời gian tới.
Bên cạnh duy trì số lượng chuyến bay ở mức cao, hàng không sau cao điểm Hè đang dần nâng cao chất lượng phục vụ khi tỷ lệ chuyến bay bị “delay” cũng đang giảm dần. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 9/2022 (tính từ 19/8 - 18/9) tỉ lệ đúng giờ trung bình của các hãng bay Việt Nam tăng và đạt mốc trên 90%. Đây là con số ấn tượng bởi các hãng hãng hàng không tại Mỹ, châu Âu, Úc... chỉ đạt ở mức dưới 90%.
Đơn cử như Quantas với xấp xỉ 71%, Delta Airlines 82,4%, Emirates đạt 79,6% hay United Airlines với 78,5%. Ngoài ra, thời tiết nước ta đã chính thức bước vào mùa mưa bão, đã có không ít chuyến bay phải dừng hoặc hủy do ảnh hưởng của mưa bão. Sự cải thiện đáng kể về tỉ lệ “delay” chuyến bay cho thấy nỗ lực lớn của ngành hàng không nhằm thích ứng trong điều kiện mới.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không đánh giá, việc giảm tỉ lệ chậm, hủy chuyến bay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành hàng không, không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn trong tương lai xa.
"Ở điều kiện bình thường, tỷ lệ bay đúng giờ bình quân của hàng không thế giới cũng chỉ khoảng 70%. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn và khách bay tăng đột biến, thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam đã nỗ lực để hạn chế thấp nhất tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay" – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói và cho biết thêm, trong bối cảnh cao điểm hè đã đi qua, cao điểm Tết sắp đến gần, ngành hàng không cần tranh thủ thời điểm này để ổn định tình hình hoạt động, cải thiện chất lượng dịch vụ và có những giải pháp, kịch bản sẵn sàng đối phó với tình trạng quá tải trong cao điểm Tết sắp tới.
Nguyễn Quý
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội