Hàng gian hàng giả: Còn “rượt đuổi” theo vấn nạn
Đến cả sản phẩm liên quan đến sinh mạng, sức khỏe con người cũng “ruột” Trung Quốc, nhãn Hàn Quốc. Còn mỹ phẩm thì “hồn Trương Ba da hàng thịt” tràn ngập. Đến cả Trung tâm thuốc tây lớn nhất nhì TPHCM hay cửa hàng đông dược cũng tràn lan thuốc không hóa đơn chứng từ hoặc chưa được phép. Giải pháp ngăn chặn hàng gian giả, tình trạng gian lận thương mại đã đến lúc cần có giải pháp mới…
“Ruột” Trung Quốc, “dáng” Hàn Quốc
Tổ công tác 334 của Bộ Công Thương phối hợp với 28 đội quản lý thị trường (QLTT) của TPHCM vừa tạm kết thúc đợt ra quân lớn kiểm tra các cửa hàng, cơ sở kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền tại 24 quận, huyện của thành phố.
Tại cửa hàng của một Cty cổ phần lớn có trụ sở quận Tân Bình, lực lượng chức năng phát hiện nơi đây chủ yếu bán sản phẩm sản xuất từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sản phẩm lại không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều đáng nói, bao bì sản phẩm thiết kế nhìn như hàng… Hàn Quốc, kể cả chữ tượng hình. Đó là chưa nói băng rôn bảng hiệu ngoài cửa hàng thiết kế kiểu… Hàn khiến ai cũng tưởng lầm.
Chưa hết, tại các quầy thuốc đông dược quận 5, lực lượng kiểm tra cũng phát hiện nhiều thuốc đông y có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không có đăng ký lưu hành, không hóa đơn chứng từ và nhiều dược phẩm không hóa đơn chứng từ khác. Thậm chí, ngay tại Trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế (quận 10), lực lương chức năng còn phát hiện nhiều sản phẩm thuốc không có hóa đơn chứng từ.
Báo cáo tổng hợp chỉ 1 ngày đầu ra quân của cơ quan chức năng khiến dư luận lo lắng về thực trạng sản xuất kinh doanh các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, sinh mạng con người: kiểm tra hơn 90 cửa hàng, cơ sở tập trung ở quận 5 và quận 10, quận Tân Bình, lực lượng chức năng phát hiện tới 58 vụ vi phạm, tạm giữ gần 129.000 sản phẩm trị giá hơn 500 triệu đồng. Những hàng hóa này vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm, dược phẩm, dụng cụ y tế, thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ và hàng nhập lậu.
Ngày càng phức tạp
Theo Chi cục QLTT TPHCM hàng gian giả len lỏi khắp mọi nơi. Ngay cả đến chợ Bến Thành- biểu tượng của TPHCM cũng có hàng gian giả. Bằng chứng, ngay tháng 5 vừa qua, bất ngờ kiểm tra nơi đây, Chi cục QLTT phát hiện nhiều quầy hàng bán đồ ngoại nhập như đồng hồ, mắt kính, túi xách, quần áo, giày dép… Theo cơ quan chức năng, đồ “ngoại” ở đây nhập từ… Trung Quốc nhưng lại giả mạo các nhãn hiệu nước ngoài như đồng hồ Omega, Rolex, Citizen; mắt kiếng Rayban, Gucci, Versace, Dolce & Gabbana…
Đặc biệt, trong thời đại 4.0 này, khi việc mua bán, trao đổi hàng hoá hiện này không còn đơn thuần là thông qua các kênh thương mại truyền thống mà chuyển với tốc độ “siêu tốc” sang hình thức thương mại điện tử, tận dụng tối đa mạng xã hội như Facebook, Zalo, youtube,Twitter, Instagram...Theo Cục QLTT, với loại hình này, nhiều thương nhân lợi dụng lòng tin lừa đảo, gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hoá; nhiều mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được rao bán công khai, tràn lan như: rượu, chất nổ, thuốc lá, thuốc chữa bệnh.
Những ngáng trở
Một thực tế, khi hàng hóa ra đến thị trường thì trách nhiệm chính thuộc cơ quan QLTT. Tuy nhiên liên quan việc kiểm soát ngăn chặn còn có nhiều lực lượng khác như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành. Đó là chưa nói chính quyền địa phương, Ban quản lý chợ là lực lượng tiệm cận nhất với cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thế nhưng theo chính thừa nhận của QLTT TPHCM thì việc phối hợp giữa các lực lượng chưa thực chặt, đồng bộ, thậm chí còn đùn đẩy, trông chờ nhau. Còn bản thân doanh nghiệp, cũng không ít đơn vị “ngại” đụng đến hàng giả sản phẩm mình vì sợ ảnh hưởng thương hiệu, đã gây khó khăn không nhỏ cho việc ngăn chặn.
Mặt khác, để xử lý được hàng gian giả thì phải có giám định kết luận hàng giả. Nhưng chi phí giám định nhiều mặt hàng rất đắt. Có trường hợp lực lượng chức năng phải tạm ứng trước tiền đưa hàng đi giám định, xong khi thu hồi kinh phí lại thủ tục quá nhiêu khê, cũng cản trở nhiệt huyết người thi hành công vụ. Đó là chưa nói, hàng hóa bị làm giả có nguồn gốc từ các nước khác, có muốn giám định cũng khó khăn vì không liên hệ được chủ sở hữu thương hiệu để yêu cầu giám định theo quy định.
Đáng nói hơn, theo ông Trần Hùng (Phó cục trưởng Cục QLTT- Bộ Công thương), mức xử phạt hành chính hay hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Nhiều đối tượng đã bị tòa xử tù giam nhưng sau khi ra tù vẫn đi buôn lậu, làm hàng giả vì siêu lợi nhuận.
“Cuộc chiến” chống hàng gian, giả, chống gian lận thương mại không hề mới. Tuy nhiên trước thực tế càng kiểm tra càng ra vi phạm kể cả những mặt hàng liên quan sức khỏe tính mạng con người, cho thấy nếu cơ quan chức không nhanh chóng thay đổi phương thức thì mãi chỉ là cuộc “rượt đuổi” với vấn nạn.
Trong 06 tháng đầu năm 2018, Chi cục QLTT 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã kiểm tra 15.840 vụ (giảm 30% so cùng kỳ năm 2017), phát hiện vi phạm 9.180 vụ việc (giảm 19% so cùng kỳ năm 2017), xử lý 9.016 vụ (giảm 12% so cùng kỳ năm 2017) những vụ việc còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý, thu phạt tổng số tiền 101.961.074.000 đồng (giảm 14% so cùng kỳ năm 2017).
Ngọc Uyên
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm