Hàn Quốc, quốc gia “nghiện việc” muốn chấm dứt lao động quá giờ

Chủ nhật, 29/07/2018, 21:26 PM

Tại Hàn Quốc, người lao động, không chỉ ở các công ty tư nhân mà ngay cả ở các cơ quan nhà nước, thường làm việc quá giờ nhưng giờ đây chính phủ Hàn Quốc đang muốn chấm dứt tình trạng....

Tại Hàn Quốc, người lao động, không chỉ ở các công ty tư nhân mà ngay cả ở các cơ quan nhà nước, thường làm việc quá giờ nhưng giờ đây chính phủ Hàn Quốc đang muốn chấm dứt tình trạng này vì nhận thấy làm việc nhiều giờ dẫn đến tỷ lệ sinh thấp, số việc làm mới tăng chậm và nhiều vụ tử tử.

Nhân viên công sở ở Seoul lên tàu điện về nhà sau khi tan việc. Ảnh: New York Times

Nhân viên công sở ở Seoul lên tàu điện về nhà sau khi tan việc. Ảnh: New York Times

Những cái chết do áp lực công việc

Lee Han-bit, 27 tuổi, là trợ lý sản xuất phụ trách dự án phim truyền hình nhiều tập có nhan đề “Dringking Solo”. Anh làm việc nhiều tuần liên tục mà không hề nghỉ ngơi đồng thời cũng yêu cầu các nhân viên của anh phải làm việc 20 tiếng mỗi ngày. Song chính Lee đã không chịu nổi áp lực công việc. Hồi tháng 10-2016, anh tự tử chỉ vài ngày sau khi hoàn thành xong dự án, để lại một lá thư tuyệt mệnh với nội dung chỉ trích văn hóa làm việc quá sức trong xã hội Hàn Quốc đã bóc lột sức lực của anh và đồng thời cũng khiến anh phải bóc lột sức lao động của các nhân viên dưới quyền. Lee cho biết anh đã việc liên tục 55 ngày và chỉ được nghỉ hai ngày.

“Tôi chẳng là gì cả, cũng chỉ một người lao động bình thường thôi nhưng đối với họ (các nhân viên), tôi là một người quản lý vắt kiệt nhân viên”, anh viết trong thư. Thông điệp của Lee làm dậy sóng dư luận Hàn Quốc, một đất nước có truyền thống “nghiện việc”, nơi người lao động ở các công ty và cả các công sở nhà nước làm việc đến tận khuya.

Theo số liệu của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD), người Hàn Quốc làm việc nhiều hơn 240 giờ mỗi năm so với người Mỹ, tức nhiều hơn một tháng trong một năm.

Cảnh sát Hàn Quốc cho biết áp lực công việc là nguyên nhân dẫn đến 500 trường hợp tự tử mỗi năm ở nước này.Năm ngoái, một nữ công chức ở Seoul, vừa mới sinh con một tuần, đã trở lại làm việc 12 tiếng mỗi ngày và trong lúc tranh thủ làm cả ngày Chủ nhật, cô đã ngã lăn ra tử vong vì lên cơn đau tim. Cái chết này đã đánh động dư luận Hàn Quốc trước văn hóa làm việc khắc nghiệt đang gây áp lực cho phụ nữ, nhất là những người mới sinh con.

Lúc đó, ông Moon Jae-in, đang là ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc, đã viết trên Facebook: “Chúng ta không còn có có thể chấp nhận một xã hội nơi xem làm việc quá giờ và làm việc đến tận khuya như là một thực tế hiển nhiên”Người lao động Hàn Quốc thường phải chấp nhận chịu đựng văn hóa nơi làm việc mà họ gọi là “gapjil”, một từ dùng để mô tả thái độ độc đoán, trịch thượng và bắt nạt của người quản lý đối với nhân viên.

Một ví dụ điển hình cho văn hóa này là cơn thịnh nộ của bà Heather Cho, Phó Chủ tịch hãng hàng không Korean Air, trút vào một tiếp viên hàng không. Trên một chuyến bay của hãng hàng không Korean Air trở về Hàn Quốc đang chuẩn bị khởi hành từ thành phố New York vào tháng 12-2014, một tiếp viên đã phục vụ bà hạt mắc-ca còn để nguyên trong bao, thay vì đổ ra dĩa. Cho rằng tiếp viên này phục vụ sai cách (thực tế là làm đúng), bà đã gọi tiếp viên trưởng Park Chang-jin đến chất vấn, yêu cầu anh quỳ xuống xin lỗi đồng thời đánh anh. Chưa hả giận, bà quyết định sa thải Park Chang-jin ngay lập tức, yêu cầu máy bay quay trở lại gần cổng sân bay để đuổi anh xuống máy bay.

Khống chế số giờ làm việc mỗi tuần

Những vụ việc như vậy và những cái chết do áp lực công việc bao gồm vụ tự tử của Lee, đã khiến chính phủ Hàn Quốc phải cấp bách thay đổi văn hóa nơi làm việc.

Hôm 1-7, một điều luật sửa đổi trong Đạo luật các tiêu chuẩn lao động có hiệu lực đối cho các doanh nghiệp và cơ quan chính quyền có hơn 300 nhân viên, giới hạn số giờ làm việc tối đa trong mỗi tuần của nhân viên là 52 giờ bao gồm cả thời gian làm việc ngoài giờ, giảm so với con số 68 giờ trước đây. Điều luật sẽ được áp dụng cho các tổ chức có 300 nhân viên trở xuống và 50 nhân viên trở xuống lần lượt vào tháng 1- 2020 và tháng 7-2021.

Các chủ doanh nghiệp vi phạm luật sẽ đối mặt với án tù hai năm hoặc bị phạt tiền lên đến 20 triệu won (18.000 đô la).

Nhiều công ty Hàn Quốc đã thông qua các chính sách mới để tuân thủ luật giới hạn số giờ lao động của nhân viên trong mỗi tuần. Theo Bộ Lao động Hàn Quốc, 700 trong số 3.672 công ty lớn và các tổ chức nhà nước đã thuê nhân viên mới hoặc lên kế hoạch như vậy.

Nhiều tổ chức khác đã triển khai các sáng kiến nhằm hạn chế làm việc quá giờ, chẳng hạn, hồi tháng 5, chính quyền thành phố Seoul quyết định cắt điện và và tắt máy tính vào 7 giờ tối ngày thứ Sáu ở tòa thị sảnh cao 12 tầng để các nhân viên về sớm.

Năm 2017, số giờ làm việc trung bình của người Hàn Quốc lên đến 2.024 giờ mỗi năm, cao thứ hai (chỉ sau Mexico) trong 35 nước thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD). Ảnh: WSJ

Năm 2017, số giờ làm việc trung bình của người Hàn Quốc lên đến 2.024 giờ mỗi năm, cao thứ hai (chỉ sau Mexico) trong 35 nước thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD). Ảnh: WSJ

Các công chức ở Hàn Quốc làm việc trung bình 2.739 giờ mỗi năm, cao hơn 1.000 giờ so với các đồng nghiệp ở các nước phát triển.

Việc chấm dứt văn hóa làm việc quá giờ sẽ giúp giải phóng những người lao động trẻ, những người không có cùng lối suy nghĩ làm việc bằng tất cả mọi giá như bố mẹ của họ.

Woo Su-jin, một nhân viên thiết kế đồ họa 26 tuổi, cho biết công ty truyền thông nơi cô làm việc giờ đây cho phép cô đến muộn vào buổi sáng nếu cô làm việc quá giờ vào tối trước đó. Các cuộc thảo luận về dự án trong những cuộc ăn uống thường kéo dài từ 7 giờ tối đến tận 1 giờ sáng ở công ty cô giờ đây chấm dứt sớm hơn. Woo nói: “Các đồng nghiệp và tôi thà về nhà sớm hơn là làm việc nhiều giờ dù chúng tôi được trả cho thời gian làm việc quá giờ”.

Không giúp ích cho nền kinh tế

Người Hàn Quốc thường tự hào cho rằng văn hóa làm việc cật lực đã giúp đưa Hàn Quốc, một đất nước từng như vùng nông thôn thoát ra khỏi đống tro tàn của chiến tranh và vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế với những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Samsung hay Hyundai.

Làm việc nhiều giờ cũng từng được xem là biểu hiện của lòng danh dự, đặc biệt là đối với những người đàn ông đóng vai trò kiếm cơm cho gia đình trong một xã hội gia trưởng.

Nhưng dù vậy, ngày càng có nhiều người lao động đang kêu gọi chính phủ hãy quan tâm đến những điều kiện làm việc khắc nghiệt của họ. Vụ tự thiêu của một công nhân nhà máy vào thập niên 1970 ở giai đoạn đầu của phong trào lao động, đấu tranh đòi quyền lợi và chấm dứt các điều kiện lao động hà khắc vẫn còn ám ảnh các nhà hoạt động ngày nay.

Văn hóa làm việc dài giờ cũng không giúp ích cho nền kinh tế. Năng suất lao động ở Hàn Quốc đang tăng chậm và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã lên đến 10%.

Tổng thống Moon Jae-in và các chuyên gia lao động chỉ trích những lề lối làm việc lỗi thời, bao gồm ở các công sở, cho phép người quản lý có thể gọi nhân viên bất cứ lúc nào để hoàn thành các công việc mỗi khi chúng nảy sinh.

“Văn hóa làm việc này có tác dụng trong quá khứ khi người dân Hàn Quốc đang đói kém. Nhưng thời thế hiện nay đã thay đổi. Trước đây, mọi người sẵn sàng hy sinh hiện tại để bảo đảm tương lai nhưng giờ đây, mọi người muốn hạnh phúc ngay hiện tại”, Yu Gyu-chang, giáo sư ngành quản lý nguồn lực nhân sự ở Đại học Hanyang (Hàn Quốc), nói.

Tổng thống Moon Jae-in nói sau khi luật giới hạn số giờ lao động trong mỗi tuần có hiệu lực: “Thói quen làm việc quá giờ là phủ phạm đằng sau nâng suất lao động thấp của Hàn Quốc”.

Lê Linh

Theo TBKTSG