Grab “thu thuế hộ”, cả khách hàng lẫn tài xế chịu thiệt
Từ ngày 5/12, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, hãng xe Grab đã tăng giá dịch vụ trên toàn quốc
Mức khấu trừ tăng, tài xế lao đao
Anh N.D. Khang - ở Q.Bình Tân, TP.HCM - cho biết năm 2018, anh vay ngân hàng 400 triệu đồng để mua một chiếc ô tô bốn chỗ, chạy GrabCar. Công việc này mang lại thu nhập cho anh mỗi ngày khoảng 500.000 đồng (đã khấu trừ các chi phí), chỉ vừa đủ để trang trải sinh hoạt trong gia đình và trả nợ ngân hàng hằng tháng, hoàn toàn không có dư.
Đến những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có nhiều lúc, xe của anh gần như “đứng bánh”, thu nhập từ công việc chạy xe trở nên bấp bênh, anh Khang chuyển sang kinh doanh nhỏ. Từ đầu tháng 10/2020 đến nay, anh gác việc kinh doanh để quay lại “nghề” chạy xe Grab với hy vọng nhu cầu đi lại dịp cuối năm tăng, thu nhập từ việc chạy xe sẽ ổn định. “Người chạy GrabCar đông nên để kiếm được thu nhập 500.000 đồng, tài xế phải ngồi trên xe từ 10-12 giờ/ngày. Có hôm ế khách, tôi phải ngồi xe đến 14 giờ mới đủ “sở hụi” - anh Khang kể.
Từ ngày 5/12 đến nay, Grab tăng tỷ lệ chiết khấu với tài xế từ 28,375% lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%. Với cách tính khấu trừ như trên, anh Khang lo rằng thu nhập từ việc chạy xe sẽ không đủ sống, nên dự định bán xe và chuyển nghề. Anh Khang nói: “Trước đó, Grab có gửi cho các đối tác thông báo về việc tăng giá cước và thông tin về phương thức thu, nộp thuế hộ. Grab giải thích, Nhà nước quy định tăng thuế VAT nên từ 11g ngày 5/12, họ sẽ thu thuế VAT 10%, thuế thu nhập cá nhân 1,5% và sẽ khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng trên mỗi chuyến xe”.
Ông N.T.N. Quang - ở Q.3, TP.HCM - kể trước đây, ông chạy xe ôm truyền thống ở ga Sài Gòn gần chín năm. Vài năm gần đây, với sự bùng nổ của xe ôm “công nghệ”, xe ôm truyền thống gần như mất chỗ đứng. Từ năm 2017, ông Quang đã đầu tư xe mới và đăng ký trở thành đối tác của Grab. Theo ông Quang, điểm khác cơ bản giữa chạy xe ôm “công nghệ” và truyền thống là người chạy xe ôm “công nghệ” phải đóng phí sử dụng dịch vụ cho Grab. Người chạy xe chấp nhận đóng phí cho Grab vì nghĩ nền tảng công nghệ sẽ giúp họ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, từ đó thu nhập sẽ tăng lên.
“Điều làm chúng tôi lo lắng là những năm qua, các mức khấu trừ trong thu nhập của tài xế tăng lên, trong khi lượng khách hàng ngày càng ít đi. Có nhiều nguyên nhân khiến lượng khách giảm, trong đó có sự ra đời của các hãng xe ôm “công nghệ” khác. Khách hàng có sự so sánh, lựa chọn giá cả, dịch vụ của các đơn vị” - ông Quang phân tích.
Để chứng minh, ông Quang mở app (ứng dụng) và cho biết, từ 8g đến hơn 11g, ông chỉ nhận được ba cuốc xe với số tiền 169.000 đồng. Trong khi đó, từ ngày 5/12, với một cuốc xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế chỉ nhận về được 70.800 đồng thay vì 76.400 đồng như trước đây.
“Mức khấu trừ trước đây 20% là đã quá cao rồi, bây giờ còn tăng thêm cả chục phần trăm nữa thì chúng tôi không đủ sống vì còn phải chịu tiền xăng, tiền điện thoại… Một ngày chạy hết sức, chúng tôi cũng chỉ kiếm được 200.000 đồng, hằng tháng còn phải bảo dưỡng, sửa xe nữa. Nếu sắp tới, Grab không thay đổi chính sách, chắc chắn tôi phải quay lại chạy xe ôm truyền thống” - ông Quang nói.
Khách hàng chịu thiệt vì giá cước tăng
Đang mang thai, nhà ở Q.Bình Tân, làm việc ở trung tâm TP.HCM, nhiều tháng nay, chị N.V.An chọn xe ôm “công nghệ” để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, chị đang có ý định tự chạy xe máy đi làm vì giá cước GrabBike đột nhiên “leo dốc” mấy ngày qua. Mở app truy cập “lịch sử di chuyển” cho cùng lộ trình từ nhà đến công ty, sau khi Grab thay đổi chính sách, mỗi cuốc xe đắt hơn trước kia 10.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng, chị An phải tốn thêm 600.000 đồng chi phí đi, về.
“Tôi nghe nói Grab tăng giá để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi đóng thuế VAT theo Nghị định 126, có hiệu lực từ ngày 5/12. Nhưng từ ngày 2/12, Grab đã gửi thông báo qua app rằng đã áp dụng giá phí dịch vụ mới cho loại hình GrabBike và đến ngày 5/12 thì thông báo tăng giá cước đối với GrabCar bốn chỗ và bảy chỗ” - chị An nói.
Theo các tài xế, họ không thể vui trước việc tăng phí dịch vụ và tăng cước phí, bởi mức thu cao không giúp họ bù vào khoản khấu trừ tăng do lượng khách hàng sẽ giảm, đồng thời khi tăng giá cước, số tiền bị khấu trừ phí sử dụng dịch vụ cũng tăng lên.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, Grab tăng các khoản giảm trừ với tài xế khi Nhà nước tăng thuế VAT đối với các dịch vụ gọi xe công nghệ từ 3% lên 10% là không đúng. Vì VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ (căn cứ điều 3, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008) và người tiêu dùng là người chịu thuế này.
Đồng thời, theo điểm c, khoản 5, điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 5/12/2020) thì: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh”.
“Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, đối tượng chịu thuế VAT là hàng hóa, dịch vụ và trách nhiệm khai thuế là Grab. Việc tăng các khoản giảm trừ đối với tài xế là không đúng; muốn tăng, phải được sự đồng ý của tài xế” - luật sư Hùng nói.
Hoàng Lâm
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng