Gỡ nút thắt cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Thứ tư, 13/03/2019, 09:43 AM

Ngoài việc buộc các địa phương cam kết thời gian bàn giao mặt bằng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân còn đề nghị UBND TP làm việc với nhà đầu tư để lên phương án vận hành dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng ngay từ bây giờ

Ngày 12-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã cùng lãnh đạo UBND TP và các sở - ngành liên quan khảo sát thực địa một số hạng mục thuộc dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Tại buổi làm việc ngay sau đó, ngoài những chỉ đạo thiết thực, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã gợi mở nhiều vấn đề để gỡ vướng cho dự án này.

Cam kết giao đủ mặt bằng vào tháng 6-2019

Báo cáo với Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam - nhà đầu tư dự án, cho hay dự án đã tái khởi động từ ngày 27-2, các thiết bị chính của dự án sau nhiều tháng nằm cảng nay đã lấy ra. Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP đã hoàn thiện đánh giá điều chỉnh giá trị dự án đầu tư.

Cũng theo ông Tiến, đến thời điểm hiện tại, phần lớn các hạng mục của dự án đều duy trì tiến độ đặt ra, chỉ còn lại một số cống kiểm soát triều như Tân Thuận và Phú Định đòi hỏi thời gian lâu hơn do nền đất yếu. Ông Tiến cam kết đến cuối năm 2019, dự án sẽ hoàn thành cơ bản nếu các địa phương bàn giao mặt bằng trong tháng 6-2019. Còn trong trường hợp các quận, huyện không bàn giao đúng thời gian thì tiến độ có thể chậm hơn 1-2 tháng, có thể xong trong quý I/2020. Theo ông Tiến, sở dĩ ông dám cam kết như trên là vì trước đó UBND TP đã điều chỉnh một số tuyến, ranh dự án nên số hộ dân bị ảnh hưởng của dự án đã giảm đáng kể, góp phần đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng.

Lý giải về việc chậm bàn giao mặt bằng ở cống Phú Xuân, ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7, nói là do quận cần phải làm rõ thêm giá T2 mà TP đã phê duyệt trước đây. Cụ thể, nếu áp dụng theo quy định cũ thì người dân không được hỗ trợ, còn theo Quyết định 28 thì được hỗ trợ 30%. Dù vậy, UBND TP phải phê duyệt và gia hạn lại giá T2 thì quận mới có cơ sở bồi thường, hỗ trợ cho người dân theo Quyết định 28. "Ngay sau khi TP duyệt thì quận sẽ chi trả cho người dân và với tiến độ hiện tại thì quận khẳng định việc này có thể hoàn thành trong tháng 6-2019. Bởi quỹ nhà bố trí tái định cư hiện đã có đầy đủ, nếu người dân không thể trả tiền một lần thì có thể cho trả góp" - chủ tịch UBND quận 7 cam kết.

Nghe đến đây, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Quyết định 28 có lợi hơn cho người dân nên đã chỉ đạo các sở - ngành cần làm sớm thủ tục để trình UBND TP phê duyệt làm cơ sở cho các địa phương hỗ trợ người dân. Đặc biệt, sau khi ông Nguyễn Thiện Nhân chất vấn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và cả lãnh đạo UBND TP về các bước làm giá T2 thì những đơn vị này thống nhất trong tháng 3 sẽ trình giá T2 cho UBND TP phê duyệt, quận 7 cam kết thực hiện bồi thường xong trong tháng 5-2019. Ngoài quận 7, các địa phương khác như quận 4, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh cũng cam kết giao mặt bằng trong tháng 6-2019.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khảo sát thực tế dự án chống ngập có giá trị gần 10.000 tỉ đồng

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khảo sát thực tế dự án chống ngập có giá trị gần 10.000 tỉ đồng

Sẽ gia hạn thời gian vay vốn ưu đãi

Ngoài vấn đề mặt bằng, nhà đầu tư cũng đề nghị UBND TP làm việc với các bên để gia hạn nguồn vốn vay ưu đãi bởi thời gian vay theo hợp đồng sẽ kết thúc vào cuối tháng 6-2019. Phúc đáp đề nghị của nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thông tin phía Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đồng ý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có ý kiến. UBND TP sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để gia hạn thời gian vay. Liên quan đến việc này, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gợi ý các đơn vị cần căn cứ vào tiến độ bàn giao mặt bằng, tiến độ dự án hiện tại và cam kết thời gian hoàn thành của nhà đầu tư để xác định thời gian đề nghị gia hạn cho phù hợp.

Báo cáo công tác nghiệm thu, đánh giá chất lượng công trình, ông Tuyến cho biết đây là dự án BT (xây dựng - chuyển giao) nên Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập hội đồng để thường xuyên kiểm tra. Khi dự án hoàn thành, hội đồng này sẽ đánh giá, nghiệm thu còn TP là đơn vị thụ hưởng, không có chuyên môn để đánh giá. Đến giai đoạn quyết toán kiểm toán thì TP sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập để tính toán giá trị công trình và thanh toán cho nhà đầu tư. Ông Tuyến cũng khẳng định liên quan đến việc thẩm định thép ở cống Mương Chuối, TP đã thuê một đơn vị độc lập để đánh giá, nhà đầu tư sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu thép không đạt chất lượng.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị liên quan, bởi theo ông, dù việc giải ngân có chậm nhưng dự án vẫn triển khai, giải phóng mặt bằng vẫn được các đơn vị thực hiện để bảo đảm tiến độ. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP phải làm việc ngay với nhà đầu tư để lên phương án vận hành dự án.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã giao các sở - ngành liên quan tính toán ngay để khi dự án hoàn thành thì TP có nhân sự đủ trình độ kỹ thuật, năng lực vận hành.

6,5 triệu người được hưởng lợi

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng theo hình thức BT. Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.

Chính vì cái lợi của dự án khá lớn nên theo Bí Thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, nếu cuối tháng 12 -2019 dự án hoàn thành như cam kết thì Tết năm 2020 sẽ là Tết vui, có ý nghĩa xã hội.

SỸ ĐÔNG

Theo nld.com.vn